Quận nào có nhiều phường nhất ở Hà Nội?
Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã; bạn có biết quận nào nhiều phường nhất?
Với hơn 1.000 năm lịch sử, Hà Nội là một trong những thành phố lâu đời nhất ở Đông Nam Á, nổi tiếng với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Hiện nay, Thành phố Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã (thị xã Sơn Tây).
12 quận gồm Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ.
17 huyện gồm Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa.
Quận nào có nhiều phường nhất ở Hà Nội?
Với 21 phường, Đống Đa là quận có nhiều phường nhất ở Hà Nội.
Các phường thuộc quận Đống Đa gồm:
Theo Cổng Thông tin điện tử quận Đống Đa, quận này nằm ở phía Tây Nam của Hà Nội, tiếp giáp với 5 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.
Quận Đống Đa có diện tích 9,95km2, dân số trên 400.110 người.
Đống Đa có địa hình bằng thẳng. Toàn quận có một số hồ lớn như Ba Mẫu, Kim Liên, Xã Đàn, Đống Đa, Văn Chương. Ngày trước ở quận có nhiều ao, đầm nhưng quá trình đô thị hóa khiến chúng dần bị lấp. Quận Đống Đa có hai sông nhỏ chảy qua là sông Tô Lịch và sông Lừ.
Đống Đa - Văn hoa truyền thống và lịch sử
Quận Đống Đa có nhiều di tích văn hóa, lịch sử tiêu biểu, gồm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Đàn Xã tắc, di tích vòng thành Đại La, Chùa Bộc, gò Đống Đa và tượng đài vua Quang Trung, chùa Láng, đền Bích Câu, ga Hà Nội...
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 để thờ các bậc tiên thánh, tiên sư của đạo Nho và làm trường học hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Càn Đức, con vua Lý Thánh Tông, sau là vua Lý Nhân Tông. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học".
Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám cạnh Văn Miếu, ban đầu chỉ dành riêng cho con cái nhà vua và các gia đình đại quyền quý. Năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện, thu nhận cả con cái thường dân có sức học xuất sắc.
Quận Đống Đa cũng là mảnh đất ghi dấu trận đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của người anh hùng áo vải Quang Trung, người đại phá quân Thanh. Hàng năm cứ vào mồng 5 Tết, nhân dân thường tổ chức hội Gò Đống Đa để ôn lại những sự kiện lịch sử từng diễn ra tại nơi đây, đặc biệt tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.
Kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa, khu tượng đài Quang Trung và công viên văn hóa Đống Đa được xây dựng tại khu đất bên cạnh gò, trông ra phố Đặng Tiến Đông, tên vị tướng chỉ huy trận đánh đồn Khương Thượng và đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Di tích quan trọng của quận Đống Đa còn có Pháo đài Láng, nơi phát đi tiếng súng lệnh, mở màn cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1946.