Tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung các nguồn lực, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm triển khai thực hiện có hiệu quảchính sách nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719). Qua đó, góp phần giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Đầu tư hệ thống loa truyền thanh tại xã Lìa từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 - Ảnh: H.T

Đầu tư hệ thống loa truyền thanh tại xã Lìa từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 - Ảnh: H.T

Thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình MTQG 1719, trong giai đoạn 1 (2021 - 2025), tổng nguồn vốn trung ương đã giao cho tỉnh Quảng Trị để thực hiện chương trình là trên 1.135 tỉ đồng để thực hiện các dự án, tiểu dự án.

Ngay sau khi Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỉ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG 1719 được ban hành, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Ban Dân tộc (nay là Sở Dân tộc và Tôn giáo) chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan, tham mưu xây dựng trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Đồng thời, xác định Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN ở Quảng Trị. Do đó, việc huy động, lồng ghép các nguồn lực của các chương trình MTQG là rất quan trọng. Ngày 29/6/2022, HĐND tỉnh Quảng Trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 29/2022/ NQ- HĐND về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG.

Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND là hành lang pháp lý quan trọng mang tính dẫn đường để cả hệ thống chính trị ở Quảng Trị thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đây cũng là căn cứ pháp lý cho các cơ quan, địa phương lập kế hoạch hàng năm nguồn ngân sách nhà nước để hướng tới mục tiêu, thực hiện thành công Chương trình MTQG 1719. Bên cạnh đó, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh cùng các sở, ngành đã ký các biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác trong việc thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Quảng Trị có diện tích hơn 313.000 ha, chiếm 68% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 31 xã, thị trấn; 191 thôn vùng DTTS, trong đó có 28 xã, 187 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Địa bàn miền núi bao gồm 2 huyện Đakrông, Hướng Hóa và một số xã thuộc các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của tỉnh, cùng những quyết sách kịp thời, đúng đắn, việc triển khai các dự án, tiểu dự án và các nội dung thành phần đảm bảo kế hoạch, đúng đối tượng được thụ hưởng. Từ nguồn vốn được phân bổ qua các năm, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, nhà văn hóa thôn, bản, trường học, trạm y tế xã...

Cùng với đó, chương trình còn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đầu tư mô hình sinh kế, sản xuất theo chuỗi giá trị... Hằng năm, căn cứ kế hoạch vốn ngân sách trung ương giao, UBND tỉnh đã phân bổ vốn cho các sở, ngành cùng các địa phương thực hiện. Việc đối ứng vốn 10% theo quy định của trung ương được UBND tỉnh đối ứng bằng ngân sách tỉnh và ngân sách của các huyện để thực hiện hiệu quả chương trình.

Từ năm 2021-2025, HĐND tỉnh cũng đã phân bổ cho các huyện, đơn vị, chủ dự án thành phần trên 1.135 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển trên 677 tỉ đồng và nguồn vốn sự nghiệp trên 458 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Sở Dân tộc và Tôn giáo, nhờ các cơ chế, chính sách phù hợp của trung ương và địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, đến nay, tỉ lệ hộ nghèo tại các xã thuộc vùng đồng bào DTTS trong giai đoạn từ năm 2022 đến hết năm 2024 đã có sự cải thiện rõ rệt. Cụ thể, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm giảm 4,54%, vượt mục tiêu đề ra. Đến đầu năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo người DTTS giảm còn 36,47%, tương ứng 8.132 hộ.

Tính bình quân, tỉ lệ hộ nghèo người DTTS mỗi năm giảm 7,8%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực; thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển. Các hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt được chú trọng đầu tư. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân để phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động vùng đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững.

Tại kỳ họp thứ 30 HĐND tỉnh khóa VIII cũng đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND là cần thiết, tạo căn cứ pháp lý để thực hiện điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn 1, từ đó khắc phục được những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, góp phần triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Quảng Trị ngày càng hiệu quả hơn.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-de-thuc-hien-tot-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kt-xh-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-193791.htm
Zalo