Chuyển đổi số nâng tầm HTX vùng dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn

Bắc Kạn là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đang chứng kiến những chuyển động mạnh mẽ trong khu vực kinh tế tập thể (KTTT) và hợp tác xã (HTX) nhờ vào ứng dụng công nghệ số. Từ quản lý sản xuất đến mở rộng thị trường, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết, mở ra 'cơ hội vàng' để các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trong bối cảnh kinh tế số đang lan tỏa mạnh mẽ.

Bắc Kạn, với đặc thù là một tỉnh miền núi đa dân tộc, nơi đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông... cùng sinh sống, đang dần nhận thức rõ vai trò then chốt của công nghệ số trong phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với khu vực KTTT và HTX.

Những tín hiệu tích cực

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 65 HTX nông nghiệp (chiếm 28%) đáp ứng các điều kiện cơ bản về trang thiết bị công nghệ thông tin, sẵn sàng cho việc ứng dụng các phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm và đầu tư ban đầu vào hạ tầng số của các HTX.

Đáng chú ý, tỉnh đã có 35 HTX nông nghiệp (chiếm 11%) chủ động tham gia giới thiệu và bán sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử, hoặc triển khai các phương thức tiếp thị trực tuyến trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, TikTok và website. Những HTX tiên phong như Tài Hoan, Yến Dương, Tân Thành, An Bình... đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, sản xuất và kinh doanh, tạo động lực lan tỏa cho các HTX khác trong tỉnh.

Sự chủ động của các HTX và thành viên trong việc tiếp cận và sử dụng các công cụ trực tuyến để quảng bá, kết nối và mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm là một điểm sáng. Điều này không chỉ giúp họ vượt qua những rào cản về địa lý, tiếp cận thị trường rộng lớn hơn mà còn nâng cao tính minh bạch và khả năng tương tác với khách hàng.

Bí xanh sấy khô của HTX Yên Dương tiêu thụ thuận lợi trên sàn thương mại điện tử.

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển chung của tỉnh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Chỉ thị số 09-CT/TU về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cùng với các kế hoạch triển khai cụ thể như Kế hoạch số 201/KH-UBND, 278/KH-UBND và 883/KH-UBND đã tạo hành lang pháp lý và định hướng rõ ràng cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực KTTT và HTX.

Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn cũng đóng vai trò tích cực trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách này. Việc đưa chuyên đề ứng dụng chuyển đổi số và phát triển sản phẩm HTX trên sàn thương mại điện tử vào chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho HTX là một minh chứng rõ nét. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh còn phối hợp với các trung tâm của tỉnh và đơn vị của Liên minh HTX Việt Nam để hỗ trợ các HTX ứng dụng các giải pháp công nghệ số thiết thực như hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, truy xuất nguồn gốc và chữ ký số.

Công tác tập huấn, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và thành viên HTX được Liên minh HTX tỉnh chú trọng triển khai hàng năm, với hàng trăm lượt học viên được trang bị kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, các giải pháp ứng dụng, kỹ năng xây dựng và quản trị tư liệu, quản trị gian hàng và bán hàng trên các nền tảng trực tuyến. Điều này giúp các thành viên HTX tự tin hơn trong việc tham gia vào các kênh bán hàng trực tuyến, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường trên cả nước.

Nâng giá trị sản phẩm của HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc. Trong đó, dân tộc Kinh có 37.615 người, chiếm 11,98%; dân tộc Tày có 165.055 người, chiếm 52,58%; dân tộc Nùng có 28.709 người, chiếm 9,15%; dân tộc Dao có 56.063 người, chiếm 17,86%; dân tộc Mông có 22.607 người, chiếm 7,20%, dân tộc Sán Chay là 1.680 người, chiếm 0,54%; còn lại là các dân tộc khác có 2.176 người, chiếm 0,69%.

Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cao và đa dạng nên việc chuyển đổi số mang đến những tiềm năng và cơ hội đặc biệt cho các HTX hoạt động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bắc Kạn.

Như tại HTX Yến Dương (huyện Ba Bể) đã có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi số để tăng giá trị cho nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số. HTX đã ứng dụng truy xuất nguồn gốc, thiết kế mẫu mã bao bì và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Các hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai kế hoạch của HTX cũng được thực hiện thông qua internet. Đặc biệt, công cụ số hiện đại là nền tảng vững chắc để HTX đưa những sản phẩm đặc trưng của địa phương và người dân tộc thiểu số vươn xa.

Sản phẩm truyền thống của HTX Thiên An được tiêu thụ thuận lợi nhờ công nghệ số.

Sản phẩm truyền thống của HTX Thiên An được tiêu thụ thuận lợi nhờ công nghệ số.

Còn tại HTX Thiên An đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh quảng bá. Nhờ đó, sản phẩm của HTX không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường toàn quốc và hướng đến xuất khẩu. HTX có website riêng và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Theo các thành viên HTX, công nghệ số giúp HTX giới thiệu và quảng bá các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số đến với thị trường rộng lớn hơn, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu.

HTX An Bình (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn) tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi hỗn hợp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và xây dựng chuỗi liên kết giá trị. Việc HTX chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử là một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, từ đó mở rộng đầu ra và khẳng định lòng tin với khách hàng.

Ngoài ra, một số HTX khác cũng đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số như HTX Hoàng Huynh (huyện Ba Bể) với sản phẩm chuối sấy dẻo OCOP và HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) với các sản phẩm đặc sản truyền thống.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, chuyển đổi số ở những HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Cụ thể như HTX ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc giúp minh bạch thông tin về sản phẩm, từ quy trình sản xuất đến nguồn gốc xuất xứ, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm của các HTX vùng cao.

Các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội xóa bỏ rào cản về địa lý, giúp các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên cả nước, thậm chí quốc tế, mở ra cơ hội tăng trưởng doanh thu và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Tiềm năng và dư địa phát triển

Hiện, quá trình chuyển đổi số trong khu vực KTTT và HTX tại Bắc Kạn vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển. Với lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương như miến dong, nấm hương, măng khô, các loại trái cây..., việc ứng dụng công nghệ số một cách hiệu quả sẽ giúp các HTX và người dân vùng cao nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tuy vậy, hiện nay, nhiều HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn mới chỉ ứng dụng công nghệ số một cách đơn lẻ, chưa theo hệ thống. Các phần mềm quản lý bán hàng, quản lý kho, quản lý khách hàng (CRM) hiện chưa được nhiều HTX ứng dụng. Trong khi những công nghệ này sẽ giúp các HTX tối ưu hóa quy trình kinh doanh, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý và chăm sóc khách hàng. Việc ứng dụng hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp trong giao dịch.

Các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bắc Kạn cũng đối mặt với những thách thức đặc thù trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, trình độ học vấn và kỹ năng sử dụng công nghệ của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, đòi hỏi các chương trình đào tạo phải phù hợp với đặc điểm văn hóa và trình độ của họ.

Đồng thời, các HTX vùng cao thường có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế, gây khó khăn cho việc đầu tư vào công nghệ và đào tạo.

Để vượt qua những thách thức này và thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả cho các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bắc Kạn, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông tại các vùng sâu, vùng xa, đảm bảo kết nối internet ổn định và phủ rộng.

Đi liền với đó là xây dựng các chương trình đào tạo về công nghệ số được thiết kế riêng, yếu tố ngôn ngữ, văn hóa và trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên đào tạo tại chỗ, sử dụng hình thức trực quan, dễ hiểu.

Theo đánh giá chung của ngành chức năng, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và là cơ hội để khu vực KTTT và HTX tại Bắc Kạn bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp các HTX và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi "số hóa" các hoạt động hiện tại mà còn mở ra những hướng đi mới, tạo ra những giá trị gia tăng mới, khẳng định vị thế của KTTT trong bức tranh kinh tế số của Việt Nam.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/chuyen-doi-so-nang-tam-htx-vung-dan-toc-thieu-so-o-bac-kan-1106895.html
Zalo