Tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững
Trong xây dựng cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng, Long An xác định rõ việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đối tượng hỗ trợ, tham gia và thụ hưởng. Thành công thu hút hàng container đến Cảng Quốc tế Long An được kỳ vọng sẽ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho riêng Cảng Quốc tế Long An mà còn phát triển ngành logistics, phát huy tiềm năng khác biệt, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Khát vọng sớm trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng khá cao trong khu vực phía Nam. Song song với phát triển công nghiệp, tỉnh đang hướng phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng, với khát vọng sớm trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa với trọng tâm tại Cảng Quốc tế Long An.
Cảng Quốc tế Long An có vai trò chiến lược và quan trọng không chỉ của Long An mà còn đối với toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tỉnh Long An xem đây là điểm nhấn phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Khi được hoàn chỉnh theo quy hoạch, Cảng sẽ đạt quy mô 9 cầu cảng, với khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 100.000 - 200.000 DWT đáp ứng nhu cầu đa dạng, quy mô lớn của hoạt động xuất nhập khẩu cũng như hoạt động logistics và du lịch quốc tế.
Với vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng to lớn, hệ thống giao thông đang được đầu tư đồng bộ, tỉnh Long An hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm, năng động và hiện đại của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc phát triển hệ thống cảng biển, thu hút dòng hàng container còn là một đòn bẩy quan trọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Trên thực tế, mặc dù hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh Long An đã được hình thành với hệ thống cảng đa dạng; trong đó, một số cảng đã được đầu tư hệ thống kho bãi hiện đại, điển hình như Cảng quốc tế Long An. Tuy nhiên, việc thu hút các hãng tàu vận tải lớn cập cảng xếp dỡ hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn nên cần có một cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng. Tại Hội thảo khoa học xây dựng cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh tổ chức tháng 11.2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh: việc xây dựng chính sách khuyến khích container vận chuyển qua cảng trên địa bàn tỉnh thật sự cấp thiết để khai thác, phát huy tiềm năng khác biệt… tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đồng thời, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13.6.2023 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng giúp Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ. Cũng tại Quyết định số 686/QĐ-TTg đã định hướng xây dựng Khu kinh tế Long An tại huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước trở thành động lực tăng trưởng mới theo hướng hệ sinh thái công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và trung tâm logistics của tỉnh. Khu kinh tế Long An (mang tính chất khu kinh tế ven biển) hình thành, sẽ trở thành động lực, đột phá cho tỉnh cất cánh vươn lên mạnh mẽ; đồng thời tạo cú hích cho sự phát triển của ĐBSCL.
Theo Thường trực HĐND tỉnh Long An: từ năm 2023, lãnh đạo tỉnh đã nhận thấy cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút container vào Cảng. Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại một số địa phương đi trước thực hiện hiệu quả chính sách này như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế. Kinh nghiệm từ các địa phương đã thực hiện làm cơ sở để tỉnh bắt tay vào xây dựng cơ chế khuyến khích. Có nhiều vấn đề đặt ra cần có cơ sở khoa học để quyết định, do đó Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức “Bàn tròn chính sách” với mục đích làm rõ các luận cứ khoa học, thực tiễn của chính sách.
Kết quả “Bàn tròn chính sách” là cơ sở khoa học để UBND tỉnh xây dựng nội dung cơ chế, chính sách phù hợp thông qua Hội thảo khoa học. Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến góp ý quý báu của chuyên gia, đối tượng chịu tác động, cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã hoàn thiện lại chính sách trình HĐND tỉnh cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 vừa qua, làm cơ sở để xem xét thông qua tại kỳ họp tiếp theo của HĐND tỉnh.
Để thu hút hàng hóa container vào cảng Long An, chính sách lấy doanh nghiệp làm trung tâm, doanh nghiệp là đối tượng hỗ trợ, tham gia và thụ hưởng. Nhà nước và doanh nghiệp cùng thực hiện để cùng hưởng và cùng xây dựng hình ảnh điểm đến đầu tư tỉnh Long An thân thiện, hiệu quả, an toàn. Theo kỳ vọng, thành công thu hút hàng container đến Cảng Quốc tế Long An sẽ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho riêng Cảng Quốc tế Long An mà còn phát triển được ngành logistics trên địa bàn tỉnh và cả khu vực ĐBSCL, phát huy tiềm năng khác biệt, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững để tiến nhanh vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.