Tạo đột phá để khoa học công nghệ phát triển

Ngành công thương đã cụ thể hóa và hoàn thiện cơ chế chính sách, tái cơ cấu tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cường đầu tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và truyền thông.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về khoa học và công nghệ, ngành công thương đã cụ thể hóa và đồng bộ giải pháp từ hoàn thiện cơ chế chính sách, tái cơ cấu tổ chức khoa học và công nghệ, tăng cường đầu tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và truyền thông. Đây là những định hướng quan trọng để các đơn vị ngành công thương bám sát trong quá trình triển khai hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Khu vực sản xuất của công ty ICT Vina (100% vốn Hàn Quốc). Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Khu vực sản xuất của công ty ICT Vina (100% vốn Hàn Quốc). Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định số 337/QĐ-BCT về việc ban hành Chương trình hành động của ngành công thương thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025; trong đó, có giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 116/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, nhấn mạnh việc đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Quyết định số 116/QĐ-BCT nêu rõ, Vụ Khoa học và Công nghệ là đầu mối tổng hợp, tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ có ý kiến về nội dung của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và các luật có liên quan trong dự án xây dựng Luật để tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo… ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên; phát triển công nghệ lõi, công nghệ chiến lược.

Đánh giá tình hình hoạt động của các Viện trực thuộc Bộ; xây dựng và đề xuất lộ trình phát triển, phương án sắp xếp các Viện giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; hướng dẫn các Viện xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển các Viện giai đoạn 2026 – 2030; trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, chiến lược của Bộ.

Vụ Kế hoạch - Tài chính là đầu mối tổng hợp, tham mưu đối với việc xây dựng, ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công các sản phẩm là kết quả của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ số để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia…Hướng dẫn các Viện về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ với tổ chức, doanh nghiệp.

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số chủ trì phối hợp với các đơn vị chuyên ngành rà soát, báo cáo Lãnh đạo Bộ để đề xuất cấp có thẩm quyền Đề án cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có sự giám sát của Nhà nước trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Mặt khác, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động số hóa và chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới; nghiên cứu, thí điểm sáng kiến về chuyển đối số hoạt động kết nối chuỗi giá trị toàn cầu, hoạt động thương mại xuyên biên giới không giấy tờ, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử…trên nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng hợp, tham mưu để báo cáo Lãnh đạo Bộ có ý kiến đối với việc bổ sung các chính sách tháo gỡ điểm nghẽn và hoàn thiện Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội ban hành.

Vụ Tổ chức Cán bộ đầu mối, phối hợp với các đơn vị trong Bộ: Chỉ đạo, hướng dẫn các trường đại học thuộc Bộ thực hiện đánh giá hoạt động của các trường, công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số giai đoạn 2026 – 2030; trong đó, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; xây dựng chỉ tiêu cụ thể để đo lường, đánh giá kết quả thực hiện.

Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị trong Bộ rà soát các quy định pháp luật chuyên ngành để đảm bảo sự thống nhất, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đề xuất việc hoàn thiện quy định pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động của mọi ngành, lĩnh vực trên môi trường số.

Theo các chuyên gia, thời gian qua việc quản lý nhà nước của ngành công thương về hoạt động khoa học và công nghệ được đổi mới, hoàn thiện theo hướng thực chất, hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu, sáng tạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ ngành thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Hầu hết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, định hướng rõ ràng, đóng vai trò là đòn bẩy quan trọng khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ thông qua đầu tư chiều sâu, tăng cường trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.

Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của Bộ Công Thương, mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp. Đơn cử, trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất trong lĩnh vực dầu khí của thế giới đã được áp dụng, đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho ngành.

Không những ứng dụng và làm chủ được công nghệ hiện đại trên thế giới, cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn có năng lực trong nước, nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.

Ứng dụng khoa học công nghệ tại các trạm biến áp của PTC4. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ứng dụng khoa học công nghệ tại các trạm biến áp của PTC4. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Theo ông Lý Quốc Hùng, trong lĩnh vực năng lượng điện, doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành việc triển khai nhiều chương trình/dự án đầu tư, ứng dụng đổi mới công nghệ hiện đại, giúp việc vận hành hệ thống điện của Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới…

Ông Lý Quốc Hùng khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường tham gia, phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành liên quan để sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ và các luật liên quan phù hợp với yêu cầu mới đặt ra theo hướng trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Việc này nhằm giải phóng tiềm năng, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, đi đôi với cơ chế đánh giá độc lập và giám sát xã hội, công khai kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ...; tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù với sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tao-dot-pha-de-khoa-hoc-cong-nghe-phat-trien/362661.html
Zalo