Tạo động lực giúp người Ma Coong ở Quảng Bình thoát nghèo

Những năm qua, tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều bản làng vùng cao tỉnh Quảng Bình đã nhiều đổi thay. Những cánh rừng, nương rẫy ngút ngàn màu xanh, những con đường bê tông phẳng lỳ men theo triền núi, ánh điện về tận nhà đã tạo động lực giúp người miền núi vươn đến ấm no, hạnh phúc.

Con đường bê tông vào bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thay thế đường bùn đất nhão nhoét trước đây. Điện lưới quốc gia vừa kéo đến bản làng này. Già làng Đinh Xon, ở bản Cà Roòng 1, xã Thượng Trạch cho biết, bà con được hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được cấp giống chăn nuôi, có đất trồng sắn, trồng rừng. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã tốt lên từng ngày.

Một góc bản làng của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

Một góc bản làng của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

“Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước chăm lo cuộc sống, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, quy hoạch các dự án điện đường trường trạm, xây dựng nhà xóa mái tranh tạm bợ và bà con dân tộc được hưởng lợi. Bà con ngày càng đổi mới thêm phát triển hơn so với trước. Từ cơ cấu cây trồng vật nuôi giúp bà con lao động, một số gia đình không còn ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước nữa mà muốn tự nỗ lực trong lao động sản xuất, muốn xây dựng và phát triển cao hơn”, già làng Đinh Xon tâm sự.

Người Ma Coong đi hái măng rừng về chế biến sản phẩm OCOP

Người Ma Coong đi hái măng rừng về chế biến sản phẩm OCOP

Bây giờ, đồng bào Ma Coong ở 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch đã biết đi lấy măng rừng mang về chế biến, phơi khô rồi bán cho người miền xuôi. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Cà Roòng ra đời, chuyên thu mua măng tươi của người dân hái về sau đó chế biến thành măng khô. Đây cũng chính là sản phẩm lợi thế của địa phương. Măng rừng Cà Roòng đã được lựa chọn để triển khai làm sản phẩm OCOP, tạo nguồn thu nhập cho người dân Ma Coong. Trước đây, khi 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch chưa có điện lưới quốc gia, việc chế biến măng rừng thực hiện thủ công, măng được phơi nắng tự nhiên, việc bảo quản cũng rất khó khăn. Do vậy, khâu sản xuất phụ thuộc vào thời tiết, hoàn toàn bị động và năng suất không cao.

Người Ma Coong làm món măng khô

Người Ma Coong làm món măng khô

Đầu năm nay, điện lưới quốc gia đã đến với 2 xã biên giới Thượng Trạch và Tân Trạch, huyện Bố Trạch, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân. Kéo điện về bản giúp người dân có cơ hội phát triển sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là tiền đề để địa phương tạo liên kết cho các hộ dân trong bản phát triển kinh tế từ măng rừng.

Hợp tác xã Cà Roòng, đầu tư máy móc sản xuất, sấy ép, nâng cao chất lượng sản phẩm

Hợp tác xã Cà Roòng, đầu tư máy móc sản xuất, sấy ép, nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, đồng bào Ma Coong với sự hỗ trợ của các cấp, chính quyền, điện lưới cũng về bản nên giờ đây nhiều người đã quyết làm giàu trên mảnh đất quê hương: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Bình và các ban ngành liên quan, đã có điện lưới Quốc gia về tới bản để bà con sử dụng. Khi có điện lưới, bà con sẽ vận dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế ngày một tốt hơn”.

Đưa điện lưới quốc gia về với bản làng biên giới

Đưa điện lưới quốc gia về với bản làng biên giới

Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết, nguồn điện sử dụng ổn định giúp người dân phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Khi có hạ tầng quan trọng này, quá trình phát triển kinh tế, ý thức tổ chức sản xuất của bà con được nâng cao, tư tưởng trông chờ, ỷ lại được xóa bỏ. “Khi có điện lưới quốc gia, câu chuyện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn 2 xã này sẽ từng bước thay đổi và có thể thay đổi rất nhanh, thậm chí thay đổi trong tất cả dự án sản xuất, chế biến của bà con. Bà con ngoài việc nâng cao được nhận thức, trình độ, tiếp cận công nghệ thông tin thì việc sản xuất thủ công trước đây sẽ được thay thế bằng sản xuất sử dụng cơ giới máy móc”.

Hỗ trợ điện chiếu sáng cho người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch

Hỗ trợ điện chiếu sáng cho người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch

Hỗ trợ nguồn nước sạch phục vụ người dân

Hỗ trợ nguồn nước sạch phục vụ người dân

Các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện trong thời gian qua đã từng bước làm thay đổi diện nạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Quảng Bình. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Quảng Bình có đường ô tô vào đến trung tâm, có trường Mầm non, Trường tiểu học và trường trung học cơ sở đạt chuẩn phổ cập giáo dục, các thôn bản đều có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong thu hút khách du lịch

Lễ hội đập trống của người Ma Coong thu hút khách du lịch

Ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đã huy động hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo động lực cho bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu. “Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư tương đối đồng bộ từ điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt tập trung. Điều này đã tạo nên một diện mạo mới, tạo điều kiện quan trọng cho vùng dân tộc thiểu số phát triển. Đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng”, ông Võ Ngọc Thanh thông tin.

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tao-dong-luc-giup-nguoi-ma-coong-o-quang-binh-thoat-ngheo-post1124347.vov
Zalo