Tạo động lực cho văn hóa phát triển toàn diện trong kỷ nguyên mới
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 với số vốn hơn 122.000 tỷ đồng giai đoạn 2025 - 2030 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn về nguồn lực để phát triển văn hóa trong kỷ nguyên mới.
Phấn đấu công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP cả nước
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, mục tiêu đến năm 2030, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử. Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, bảo tàng, thư viện); 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn. Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích). Đặc biệt, Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.
Đến năm 2035, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia; phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP của cả nước. Đồng thời hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế…
Lý giải thêm về việc các thiết chế văn hóa cấp tỉnh cần đầu tư xây dựng, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trung tâm văn hóa, bảo tàng và thư viện là ba loại hình thiết chế văn hóa cơ bản mà các địa phương cấp tỉnh cần có để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân.
Tuy nhiên, số liệu từ Bộ VHTT&DL cho thấy, tính đến hết tháng 3/2024, cả nước có 66 Trung tâm Văn hóa (63 tỉnh, TP có Trung tâm Văn hóa, riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng có 2 Trung tâm Văn hóa), 41 bảo tàng và 54 thư viện cấp tỉnh. Như vậy, còn nhiều tỉnh, TP chưa có đủ 3 loại hình thiết chế nêu trên, do đó, việc đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng các loại hình thiết chế như dự thảo Nghị quyết là hết sức cần thiết.
Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia cũng đánh giá cao việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia này. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thời kỳ mới, văn hóa lại càng cần được khẳng định vị trí hơn bao giờ hết, nhất là khi phát triển bền vững đã trở thành một nhu cầu tất yếu của mọi quốc gia. “Để đạt được điều đó, chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn vai trò của văn hóa vào sự phát triển, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội và mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững đất nước” – đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân chia sẻ.
Tối ưu hóa nguồn lực, tránh lãng phí
Thời gian qua, một trong những điểm nghẽn lớn nhất để phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa chính là nguồn lực đầu tư. Mặc dù quan điểm của Đảng đã nhấn mạnh rất rõ ràng “Văn hóa phải được coi trọng ngang chính trị, kinh tế, xã hội” song thực tế, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh.
Đáng chú ý, so với nhu cầu phát triển văn hóa, ngân sách dành cho văn hóa còn nhiều hạn chế. Năm 2019, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thừa nhận rằng mức chi cho văn hóa mới chỉ dừng lại ở 1,71% chi thường xuyên, thấp hơn so với yêu cầu là 1,8% đã được đưa ra từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban Chấp hành T.Ư khóa VIII) từ năm 1998. Không chỉ mức chi cho văn hóa thấp, đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Bởi vậy, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được xem như một chiến lược toàn diện nhằm tháo gỡ nút thắt về nguồn lực và tạo ra cơ hội phát triển văn hóa trong kỷ nguyên mới. Chương trình này không chỉ tăng cường ngân sách cho văn hóa mà còn tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng văn hóa, hỗ trợ các sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật đồng thời phát triển công nghiệp văn hóa thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
“Đầu tư vào văn hóa là đầu tư vào tương lai, khi mà mỗi sản phẩm văn hóa không chỉ phản ánh bản sắc dân tộc mà còn là một phần không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của quốc gia” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Để tránh việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần thực hiện khảo sát và nghiên cứu thị trường để đánh giá nhu cầu thực tế của cộng đồng và du khách trước khi quyết định đầu tư. Sự tham gia của cộng đồng trong việc xác định các nhu cầu và ưu tiên sẽ giúp tạo ra các công trình văn hóa thực sự phục vụ cho lợi ích của người dân.
Theo các chuyên gia, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 với thời gian thực hiện dài, phạm vi rộng, kinh phí lớn nên làm sao để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Chương trình sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi quá trình thực hiện có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương; các mục tiêu đặt ra có tính khả thi và được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, phân cấp tối đa cho địa phương, giao cho địa phương bố trí nguồn lực phù hợp điều kiện thực tế. Đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình, tránh việc tạo ra những công trình nghìn tỷ nhưng thực chất không hiệu quả. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa đầu tư thực hiện Chương trình.
Theo Nghị quyết, Bộ VHTT&DL sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hướng dẫn chung việc thực hiện Chương trình. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình huy động, phát huy tối đa nguồn lực Nhà nước và xã hội để đầu tư phát triển văn hóa. Về nguồn vốn ngân sách địa phương, khi xây dựng chương trình, cơ quan soạn thảo đã tính toán không cào bằng tất cả các địa phương
Nhiều chuyên gia văn hóa kỳ vọng, khi có được một nguồn lực đầy đủ từ Chương trình, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, chúng ta sẽ đạt các những kết quả tương xứng với mức đầu tư như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra: "Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế".