Hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển
TS. Nguyễn Thị Thu Nga cho biết, Luật Thủ đô 2024 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, đáp ứng trước những yêu cầu của đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Luật Thủ đô 2024
Bài toán phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội
Tham luận trong Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 14/11, TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận về vai trò Luật Thủ đô trong phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội Thủ đô Hà Nội.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Luật Thủ đô 2024 sẽ bảo đảm nguyên tắc phát triển, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của thực tế đặt ra hiện nay cho mục tiêu chung của đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội. Vì Thủ đô Hà Nội là "trái tim", là "đầu tàu, gương mẫu", là trung tâm hành chính mang nhiều yếu tố đặc thù cho nên Thủ đô cần phải có luật riêng mang tính chất đặc thù để cho Thủ đô tận dụng được tối đa các nguồn lực để phát triển xã hội Thủ đô bền vững.
Để đánh giá phát triển xã hội bền vững hầu hết các tiêu chí đều được xác định thông qua hai lĩnh vực kinh tế và môi trường, điều đó có nghĩa xã hội bền vững phụ thuộc vào những biến đổi tích cực trong kinh tế và các yếu tố tiêu chuẩn về môi trường phải được bảo đảm, đồng thời lại có tác động trở lại đến sự phát triển kinh tế và môi trường. Do vậy, từ việc luật hóa đến các công tác như nâng cao nhận thức, nhất là đối với lãnh đạo chính quyền các cấp ở Thủ đô Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế và môi trường là rất cần thiết. Chỉ khi hiểu rõ mối quan hệ giữa quản lý phát triển kinh tế với quản lý môi trường thì mục tiêu phát triển bền vững mới được hiện thực hóa.
Bảo đảm các điều kiện phát triển xã hội bền vững
TS. Nguyễn Thị Thu Nga cho rằng Luật Thủ đô 2024 bảo đảm bao trùm trên mọi mặt phát triển bền vững, tạo hành lang pháp lý để hiện thực hóa quy hoạch Thủ đô. Đặc biệt là hai đồ án quy hoạch chiến lược của Hà Nội gồm: quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong các đề án quy hoạch đã chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng như việc phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái... việc tìm ra phương án quy hoạch và giải pháp phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng bền vững, gắn với không gian xanh, sinh thái và hiện đại là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Luật Thủ đô 2024 tạo hành lang pháp lý bảo vệ môi trường sống cho con người. theo đó, yếu tố con người luôn được xác định là một trong những nội dung đáng chú ý của luật là những chính sách góp phần xây dựng văn hóa người, y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Luật Thủ đô 2024 thể chế hóa các cơ chế khuyến khích, tạo nhiều cơ hội cho người dân đóng góp cho Thủ đô, giữ gìn, phát huy và làm sâu sắc hơn phẩm cách người Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý là chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao bởi đây là một trong những nội dung quan trọng của Luật Thủ đô 2024. Ngoài thu hút công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong và ngoài nước, thành phố còn trọng dụng sát hạch chất lượng, ký hợp đồng, ngay cả với người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn,...
"Luật Thủ đô 2024 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, đáp ứng trước những yêu cầu của đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"- TS. Nguyễn Thị Thu Nga nhấn mạnh.