Tạo đòn bẩy để du lịch vùng biên bứt phá

Những năm gần đây, ngành du lịch các huyện biên giới của tỉnh có những bước tiến đáng kể nhờ các sản phẩm du lịch độc đáo như: trải nghiệm mùa nước nổi, tham quan làng nghề truyền thống và khám phá các mô hình kinh tế mới. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành du lịch ở các địa phương biên giới cần được đầu tư đồng bộ hơn về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, đồng thời tiếp tục tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đậm bản sắc địa phương để thu hút và giữ chân du khách.

Khách du lịch tham quan trải nghiệm tại Điểm tham quan Vườn nho Ba Tuấn (xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự)

Khách du lịch tham quan trải nghiệm tại Điểm tham quan Vườn nho Ba Tuấn (xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự)

“Đánh thức” tiềm năng du lịch vùng biên

Với lợi thế về vị trí địa lý và nền văn hóa đặc sắc, huyện Hồng Ngự đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn tại Đồng Tháp trong những năm gần đây. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa đa dạng, tạo cho huyện Hồng Ngự có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: tham quan Làng nghề dệt choàng trăm năm tuổi, vườn nho lớn nhất vùng thượng nguồn và du lịch sinh thái trải nghiệm tắm cồn, tham quan phiên chợ quê...

Chính những sản phẩm du lịch độc đáo này thu hút đông đảo du khách đến khám phá huyện Hồng Ngự nhiều hơn. Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Ngự, những năm gần đây, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến huyện Hồng Ngự tăng đáng kể. Trong 9 tháng đầu năm, huyện đón trên 119.500 lượt khách đến tham quan trải nghiệm (tăng 43.320 lượt khách so với cùng kỳ năm 2023). Tuy nhiên, phần lớn du khách chỉ dừng chân tại các điểm du lịch trên địa bàn trong thời gian ngắn. Nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng du lịch của địa phương chưa hoàn thiện và thiếu đa dạng các dịch vụ vui chơi giải trí. Điều này khiến tiềm năng phát triển du lịch của địa phương chưa được khai thác tối đa.

Để khắc phục những hạn chế này, bà Đặng Thị Yến Trinh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Ngự, cho biết: “Hiện, huyện Hồng Ngự tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trước hết, địa phương tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của du lịch, khuyến khích người dân khu vực nông thôn tham gia vào các hoạt động du lịch và bảo tồn văn hóa. Đồng thời, huyện đang đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng các điểm lưu trú chất lượng, phát triển các sản phẩm du lịch mới lạ như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đặc biệt, việc khai thác các ngôi nhà cổ và phát triển sản phẩm OCOP được kỳ vọng sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách...

Đẩy mạnh phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói”

Bên cạnh huyện Hồng Ngự, một số địa phương như: huyện Tam Nông và huyện Tân Hồng, TP Hồng Ngự đang nổi lên với các điểm du lịch mới hấp dẫn như: Điểm du lịch sinh thái Hoàng Hảo, Vườn sinh thái Nam Hương và mô hình trữ cá đồng kết hợp du lịch mùa nước nổi, khu vực bảo tồn cá tự nhiên trên sông Tiền tại TP Hồng Ngự... Sự đa dạng của các sản phẩm du lịch này góp phần làm phong phú thêm bức tranh du lịch của vùng biên tỉnh nhà.

Tuy nhiên, các điểm du lịch tại các huyện biên giới vẫn còn mang tính tự phát, dẫn đến chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch chưa đồng đều. Chủ yếu phục vụ những nhóm khách du lịch nhỏ lẻ, yêu thích khám phá văn hóa bản địa.

Để phát triển du lịch chuyên nghiệp và bền vững hơn, việc liên kết các điểm du lịch trong vùng là vô cùng cần thiết. Bằng cách hợp tác, các điểm du lịch bổ sung cho nhau tạo ra những tour du lịch đa dạng, kết nối các điểm đến hấp dẫn, từ đó thu hút lượng lớn khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của cả vùng.

Ông Huỳnh Tú Linh - Phó Chủ tịch UBND TP Hồng Ngự chia sẻ, hiện TP Hồng Ngự đang có những bước đi đầu tiên trong việc phát triển du lịch của thành phố. Mặc dù giai đoạn đầu, địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, TP Hồng Ngự xác định du lịch sẽ là một trong những ngành kinh tế trọng điểm cần được đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Để đạt được mục tiêu này, TP Hồng Ngự nhận thấy cần có sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương khu vực biên giới nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa nơi đây. Đồng thời tập trung vào xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch.

Để du lịch vùng biên của Đồng Tháp phát triển bền vững, Thạc sĩ Phan Bửu Toàn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn, chia sẻ: “Nhằm thu hút khách du lịch cho khu vực biên giới, việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch là điều cần thiết. Từ việc đầu tư vào cơ sở vật chất như khách sạn, nhà hàng đến việc đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, thân thiện, tất cả đều góp phần tạo nên một trải nghiệm du lịch tuyệt vời. Quan trọng hơn, việc tạo ra sự khác biệt như tập trung vào yếu tố con người, sự chân thành trong phục vụ sẽ giúp du lịch của khu vực biên giới của tỉnh Đồng Tháp trở nên nổi bật so với các điểm đến khác. Đặc biệt, các địa phương vùng biên khai thác sáng tạo từ nét văn hóa đặc trưng tại các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ về vốn và chính sách của chính quyền địa phương là yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy quá trình này.

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, du lịch vùng biên Đồng Tháp đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/tao-don-bay-de-du-lich-vung-bien-but-pha-126946.aspx
Zalo