Thêm nguồn lực, nhân rộng mô hình giảm nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững, cơ quan chuyên môn huyện Lục Nam (Bắc Giang) phối hợp cùng các xã, thị trấn triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ đó đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thoát nghèo nhờ nuôi bò, trồng khoai

Ít đất sản xuất lại phụng dưỡng bố mẹ già yếu, không còn khả năng lao động, các con đang tuổi đến trường nên nhiều năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1984) ở thôn Húi, xã Đan Hội (Lục Nam) luôn nằm trong danh sách hộ cận nghèo. Năm 2023, khi cơ quan chuyên môn của huyện triển khai dự án hỗ trợ bò sinh sản, vợ chồng chị đăng ký và được tặng một con bò giống.

 Chị Nguyễn Thị Huệ chăm sóc bò.

Chị Nguyễn Thị Huệ chăm sóc bò.

Để chăm sóc “cần câu” của gia đình, cùng với tranh thủ thời gian chăn dắt, chị tận dụng bãi đất bỏ hoang của thôn để trồng cỏ voi, bổ sung thức ăn cho bò. Nhờ được chăm sóc tốt, bò cái đã đẻ một con bê; dự kiến 6 tháng nữa, bê con đủ tuổi xuất chuồng, gia đình chị có nguồn thu đáng kể.

Tương tự, năm 2023, gia đình ông Tạ Văn Thưởng (SN 1966) ở thôn Bưởi (cùng xã Đan Hội) được hỗ trợ một con bò sinh sản từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Cuối năm nay, gia đình ông cũng có thêm bê con.

“Vợ chồng tôi đã nhiều tuổi, phải nuôi con bị bệnh, không có khả năng lao động nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhận bò hỗ trợ, tôi rất mừng bởi việc chăm sóc không khó do được cán bộ chuyên môn hướng dẫn, phù hợp với sức khỏe của hai vợ chồng và điều kiện đồng đất địa phương. Nếu bò đẻ bê cái, chúng tôi sẽ giữ lại nuôi để nhân đàn”, ông Tạ Văn Thưởng cho biết.

Triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022-2024, UBND huyện Lục Nam dành hơn 11,9 tỷ đồng triển khai các mô hình, dự án hỗ trợ.

Đến nay đã có 25 mô hình được triển khai với tổng số 761 đối tượng được thụ hưởng; trong đó có 328 hộ nghèo, 276 hộ cận nghèo, còn lại là hộ thoát nghèo trong vòng 36 tháng, người khuyết tật không có sinh kế ổn định và hộ làm kinh tế giỏi. Ở hầu hết ở các mô hình, bước đầu các loại cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt.

Ghi nhận tại xã Khám Lạng, nhằm khai thác thế mạnh địa phương, năm 2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với UBND xã triển khai mô hình hỗ trợ trồng khoai sọ tía. Tham gia mô hình, 36 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ làm kinh tế giỏi của xã được hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật để trồng hơn 3,7 ha khoai sọ tía.

Ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, các hộ thu lãi hơn 10 triệu đồng/sào. Qua rà soát, trong số các hộ tham gia mô hình trồng khoai sọ tía, khoảng 30% số hộ nghèo (mô hình có 9 hộ nghèo tham gia - PV) sẽ thoát nghèo vào cuối năm nay. Ông Nguyễn Đình Công, Chủ tịch UBND xã Khám Lạng chia sẻ: “Một số hộ đã mở rộng diện tích trồng khoai sọ tía, như vậy toàn xã có hơn 200 ha. Từ loại cây này, mỗi năm nông dân trong xã thu về hơn 42,6 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện xã chỉ còn 23 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,4% và dự kiến giảm còn 1,2% vào cuối năm nay”.

Gắn trách nhiệm, tăng hiệu quả

Giai đoạn 2022-2024, huyện Lục Nam được phân bổ tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững là 28,58 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện tập trung thực hiện các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

 Người dân xã Khám Lạng thu hoạch khoai sọ tía.

Người dân xã Khám Lạng thu hoạch khoai sọ tía.

Các dự án được triển khai góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện. Cụ thể, năm 2021, toàn huyện có 3.420 hộ nghèo, chiếm 5,64%. Đến năm 2023 giảm xuống còn 1.848 hộ nghèo (giảm 1.572 hộ), chiếm tỷ lệ 3% (giảm 2,64% so với năm 2022). Dù vậy qua đánh giá, do trình độ canh tác, sản xuất, khả năng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật của các hộ nghèo, cận nghèo còn hạn chế nên ở một số mô hình, đàn vật nuôi, cây trồng sinh trưởng chậm. Có những mô hình do thiếu người dẫn dắt, kết nối tiêu thụ nên nhiều hộ sau khi được hỗ trợ đã không phát huy được hiệu quả kinh tế.

Nhìn nhận những hạn chế này, trong kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2024, UBND huyện cho khảo sát, đánh giá và xác định rõ những cây, con phù hợp với tập quán sản xuất và đặc thù địa bàn để triển khai mô hình hỗ trợ.

Trên cơ sở đó, năm nay, UBND huyện sớm giao vốn cho các xã, thị trấn làm chủ đầu tư thực hiện. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn các xã, thị trấn lựa chọn, triển khai mô hình. Đến nay, UBND các xã, thị trấn đã hoàn thiện hồ sơ của 25 dự án, mô hình, dự kiến thực hiện trong tháng 8.

Ông Vũ Hoài Sơn, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của các mô hình, UBND huyện giao các cơ quan chuyên môn phụ trách, người đứng đầu chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn. Cùng đó chỉ đạo các xã mở các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất, tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/them-nguon-luc-nhan-rong-mo-hinh-giam-ngheo-175804.bbg
Zalo