Tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các vụ án dân sự
Chiều 26/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.

Ảnh: Phạm Thắng
Khắc phục toàn diện hạn chế của thực tiễn công tác tương trợ tư pháp về dân sự
Trình bày Tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nêu rõ, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự án luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động này và áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng
Dự án luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành và bảo đảm: cụ thể hóa các chính sách xây dựng luật đã được phê duyệt; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật và tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp; khắc phục toàn diện các hạn chế, bất cập của thực tiễn công tác tương trợ tư pháp về dân sự; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; bám sát ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật thực hiện.
Về cơ bản, dự án luật đã được sự nhất trí của các bộ, ngành; thống nhất về cơ cấu, bố cục với 3 dự án luật còn lại được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 là: Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Chính phủ đã tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp hoàn thiện dự án luật với 4 chương, 36 điều.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự án luật. Ảnh: Phạm Thắng
Trong đó, về những quy định chung (Chương I) gồm 14 điều quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; phạm vi tương trợ tư pháp dân sự; giải thích một số thuật ngữ; áp dụng pháp luật nước ngoài; nguyên tắc tương trợ tư pháp dân sự; ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp dân sự; hợp pháp hóa lãnh sự hồ sơ tương trợ tư pháp dân sự; triệu tập và bảo vệ người làm chứng, người giám định; chi phí thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự; kinh phí bảo đảm công tác tương trợ tư pháp dân sự; hệ thống thông tin tương trợ tư pháp dân sự; cơ quan Trung ương của Việt Nam trong tương trợ tư pháp dân sự; trách nhiệm quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp dân sự.
Về thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam (Chương II), Bộ trưởng nêu rõ, chương này gồm 9 điều, quy định về thẩm quyền yêu cầu; hồ sơ; văn bản yêu cầu; trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền Việt Nam gửi đi nước ngoài; thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự khác; phương thức thực hiện tương trợ tư pháp dân sự; chuyển giao yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự trên môi trường điện tử; giá trị pháp lý của kết quả tương trợ tư pháp dân sự; thu thập chứng cứ lấy lời khai trực tuyến của Việt Nam.
Về thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài (Chương III), Bộ trưởng cho biết, chương này gồm 9 điều quy định về thẩm quyền thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự của nước ngoài; hồ sơ; văn bản yêu cầu; thủ tục tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự của nước ngoài gửi đến Việt Nam; từ chối, hoãn thực hiện tương trợ tư pháp dân sự; thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự khác; phương thức thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự, tiếp nhận yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự trên môi trường điện tử; thu thập chứng cứ lấy lời khai trực tuyến.
Cần quy định đầy đủ, chặt chẽ nguyên tắc áp dụng pháp luật nước ngoài
Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tương trợ tư pháp về dân sự với các lý do nêu tại Tờ trình; đồng thời nhận thấy, việc xây dựng ban hành luật này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cải cách pháp luật, tư pháp, tăng cường hợp tác quốc tế; tiếp tục nội luật hóa cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần hoàn thiện pháp luật trong tương trợ tư pháp về dân sự, bảo đảm tính chuyên sâu, khắc phục bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Tương trợ tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra dự án luật. Ảnh: Phạm Thắng
Về áp dụng pháp luật nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, dự thảo luật bổ sung quy định áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vụ án, vụ việc và thi hành án dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra dự án luật. Ảnh: Phạm Thắng
Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ quy định “việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái với nguyên tắc tương trợ tư pháp về dân sự được quy định tại Điều 6 của luật này” (điểm b, khoản 2), trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự để quy định đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.