Tạo điều kiện để hoạt động văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển hiệu quả và có chiều sâu

Chiều 16/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm '50 năm Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai' nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh M.H).

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh M.H).

Ban tổ chức đã nhận được 86 bài tham luận với nội dung phong phú và đa dạng.

Bên cạnh việc đánh giá hoạt động văn học, nghệ thuật 50 năm qua trên các lĩnh vực, nhiều bài viết tập trung những vấn đề mới đặt ra và giải pháp cho văn học, nghệ thuật hiện nay như tác động của khoa học công nghệ, kỷ nguyên số đến văn học, nghệ thuật, xu hướng tiếp cận văn học, nghệ thuật trong thời đại bùng nổ mạng xã hội.

Nhiều bài viết bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục thẩm mỹ, định hình khả năng tiếp nhận nghệ thuật của giới trẻ…

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, sau 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, cùng với sự phát triển chung của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh hiện là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, là nơi có nền văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển năng động, sáng tạo. Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn quan tâm và xem việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người thành phố là xây dựng nền tảng tinh thần, từ đó làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh M.H).

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh M.H).

Tại buổi tọa đàm, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, các hoạt động văn học nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh trong 50 năm sau ngày đất nước thống nhất cơ bản đã bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những yêu cầu đặt ra đối với ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong từng giai đoạn, văn học nghệ thuật đã đồng hành sâu sắc, cổ vũ, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong tình hình mới.

50 năm qua, các hoạt động văn học, nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh luôn tiên phong đi đầu trong quá trình hội nhập, sáng tạo nhưng vẫn bảo đảm việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, hình thành nét đặc trưng của văn hóa, văn học, nghệ thuật thành phố

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

“Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và sự giao thoa văn hóa mang tính toàn cầu, thành phố đã kịp thời hoạch định chủ trương về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phù hợp với tình hình thực tế của thành phố và xu thế phát triển của thời đại”, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết.

Tuy nhiên, dù đạt nhiều thành tựu, công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò tầm quan trọng của văn hóa tiếp tục được khẳng định, tuy nhiên, có lúc, việc xây dựng, phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật chưa được tập trung đúng mức.

Các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ và giá trị. Việc sáng tác còn theo lối mòn, chưa có sự bứt phá đổi mới mạnh mẽ; những tác phẩm mới chưa phản ánh được hiện thực xã hội một cách tiêu biểu, chưa chạm đến cảm xúc chung của cộng đồng.

Số tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị của thành phố được giới thiệu ra nước ngoài còn hạn chế. Việc vận hành hoạt động văn học, nghệ thuật của các cơ quan công lập còn theo lối cũ, chưa chú trọng công tác truyền thông, còn theo cách truyền thông cũ hoặc thiếu kinh phí để thực hiện truyền thông hiệu quả…

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân Vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tổng luận buổi tọa đàm. (Ảnh M.H).

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân Vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tổng luận buổi tọa đàm. (Ảnh M.H).

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Ban tổ chức tiếp thu các ý kiến đề xuất, phản ánh, đóng góp của quý đại biểu trong buổi tọa đàm để tham mưu Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp có những định hướng kịp thời đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhằm tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện để các hoạt động văn học, nghệ thuật thành phố ngày càng phát triển đạt hiệu quả thực chất và có chiều sâu.

LINH BẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dieu-kien-de-hoat-dong-van-hoc-nghe-thuat-thanh-pho-ho-chi-minh-ngay-cang-phat-trien-hieu-qua-va-co-chieu-sau-post872920.html
Zalo