Phú Thọ: Hợp nhất 3 tỉnh, tinh giản gần 70% xã, phường
Phú Thọ vừa thông qua đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và tinh giản gần 70% xã, phường, tạo bước đột phá trong sắp xếp bộ máy hành chính.
Ngày 21/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua 2 Đề án lớn: Sắp xếp các tỉnh Phú Thọ với Vĩnh Phúc, Hòa Bình và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh năm 2025. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho tiến trình xây dựng mô hình chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thương - Thanh (Báo Phú Thọ)
Dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Minh Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, hội nghị đã thống nhất thông qua toàn bộ nội dung của 2 đề án. 100% đại biểu dự hội nghị biểu quyết đồng thuận.
Sáp nhập 3 tỉnh, xây dựng tỉnh Phú Thọ mới quy mô lớn
Theo Đề án được thông qua, việc sáp nhập 3 tỉnh sẽ hình thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới giữ tên gọi là tỉnh Phú Thọ, trực thuộc Trung ương. Tỉnh mới sẽ có diện tích 9.361,381 km2, quy mô dân số 4.022.611 người.
Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ mở rộng sẽ có 32 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 4 thành phố, 1 thị xã, 27 huyện) và 479 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 42 phường, 40 thị trấn và 397 xã). Tuy nhiên, số lượng xã, phường sẽ tiếp tục được tinh giản qua đề án sắp xếp cấp xã năm 2025.
Việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc không vượt quá tổng biên chế hiện hành của 3 tỉnh. Trong lộ trình 5 năm, các địa phương phải cơ bản hoàn tất bố trí nhân sự theo đúng vị trí việc làm, bảo đảm nâng cao chất lượng đội ngũ và hiệu quả thực thi công vụ.
Cấp xã giảm mạnh, giữ tên gọi gần gũi văn hóa và được nhân dân ủng hộ
Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Phú Thọ cũng đặt mục tiêu tinh gọn rõ rệt. Hiện toàn tỉnh có 207 đơn vị hành chính cấp xã (180 xã, 15 phường, 12 thị trấn). Sau sắp xếp, sẽ giữ nguyên 2 xã đạt chuẩn, còn lại 205 đơn vị sẽ được hợp nhất, thành lập 66 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 141 đơn vị (tương đương 68,12%).
Việc sắp xếp được thực hiện tại hầu hết các huyện, thành, thị như Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Ba, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn… Trong đó, thành phố Việt Trì sắp xếp mạnh nhất với 20 xã, phường hiện nay thành 5 đơn vị mới.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thương - Thanh (Báo Phú Thọ)
Về tên gọi, các đơn vị hành chính mới được ưu tiên đặt theo tên cũ quen thuộc hoặc mang tính đặc trưng văn hóa – lịch sử, nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Cơ sở vật chất, trụ sở hành chính sẽ được bố trí hợp lý, tránh lãng phí, đảm bảo kết nối hạ tầng và phục vụ tốt người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu nhấn mạnh: Việc tổ chức lại bộ máy hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương đúng đắn, cần thiết và cấp bách. Các đề án đã được xây dựng công phu, có phương án cụ thể về tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, xử lý trụ sở, tài sản công… theo đúng chỉ đạo của cấp trên và phù hợp với thực tiễn địa phương.
Đồng chí yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với Vĩnh Phúc, Hòa Bình để sớm hoàn thiện phương án nhân sự cấp tỉnh, xã sau sáp nhập, đảm bảo khách quan, minh bạch, công tâm, đúng quy định. UBND tỉnh tiếp tục tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổng hợp và trình HĐND thông qua để hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ.
Sau sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên 9.361,381 km2, đạt 117,02% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 4.022.611 người, đạt 446,96% so với tiêu chuẩn. Đơn vị hành chính trực thuộc có 32 đơn vị cấp huyện (4 thành phố, 1 thị xã và 27 huyện); 479 đơn vị hành chính cấp xã (42 phường, 40 thị trấn và 397 xã). Số lượng đơn vị hành chính xã, phường dự kiến sau sáp nhập là 148 đơn vị (133 xã và 15 phường).