Tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ nữ phấn đấu, vươn lên
Xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương) có trên 78% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây cũng là địa phương có tỷ lệ cán bộ nữ và nữ tham gia cấp ủy cao. Là cán bộ nữ người đồng bào DTTS đã tham gia cấp ủy trong 1 nhiệm kỳ, đồng chí Cil Pam K'Quyên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đạ Nhim, Bí thư Chi bộ thôn Đa Bla cho rằng cần tạo điều kiện, cơ hội cũng như có cơ chế, chính sách riêng để cán bộ nữ phấn đấu, vươn lên, đóng góp nhiều hơn cho địa phương, đất nước.
Đảng bộ xã Đạ Nhim hiện có 129 đảng viên, trong đó 55 đảng viên nữ, tỷ lệ 42,6%. Đảng ủy viên là 11/15 đồng chí, trong đó có 6 nữ; Ban Thường vụ có 2 nữ. Công tác quy hoạch cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030, Ban Chấp hành Đảng bộ xã dự kiến giới thiệu 27 đồng chí, trong đó 12 cán bộ nữ để giới thiệu ở các bước hội nghị và bầu vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2025-2030.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ nữ được quan tâm. Trong nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025 đã tạo điều kiện để 5 đồng chí tham gia lớp đại học; 7 đồng chí học trung cấp chính trị; 2 đồng chí tham gia lớp cao đẳng; 1 đồng chí học cao cấp chính trị; giới thiệu cán bộ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn ứng cử và đảm nhận các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND xã; đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện; đảm nhận chức danh trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể của xã.
Tuy nhiên, việc cán bộ nữ tham gia cấp ủy và công tác lãnh đạo, quản lý vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Một số cán bộ nữ còn hạn chế về năng lực thực tiễn, thiếu chuyên sâu; một số cán bộ nữ chưa mạnh dạn thể hiện mình, vai trò tham mưu còn hạn chế; còn một số nữ công chức, viên chức vẫn còn tâm lý tự ti, thủ phận, chưa thể hiện được vai trò, ý thức phấn đấu vươn lên.
Trong thực tế hiện nay, để khẳng định vai trò của mình, bản thân đội ngũ cán bộ nữ phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu để chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Đồng thời tận tâm, tận lực với công việc, vượt lên rào cản của định kiến giới, vượt lên chính bản thân để tự khẳng định mình. Quan trọng hơn là rất cần sự quan tâm của các cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ nữ, nhất là vai trò người đứng đầu. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có kế hoạch đào tạo cán bộ nữ mang tính chiến lược lâu dài và có tính đột phá, nhất là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ nữ ngay từ khi đang còn tham gia học trung học phổ thông, đặc biệt cán bộ nữ là người đồng bào DTTS. Cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ để cán bộ nữ phấn đấu vươn lên; cần có biện pháp cụ thể trong việc tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ nữ trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc phát hiện và tạo nguồn cán bộ nữ trong thời gian tới của xã Đạ Nhim còn gặp nhiều khó khăn vì nguồn từ học sinh, sinh viên học đại học, cao đẳng ngày càng ít do địa bàn là người đồng bào DTTS, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho con em đi học hết đại học vượt quá khả năng kinh tế của người dân trong xã. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi phù hợp với đối tượng con em là đồng bào DTTS. Đồng thời, cần có chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ một cách thiết thực, phù hợp để động viên, khuyến khích trước yêu cầu thực tế, nhằm xóa bỏ những định kiến về giới không chỉ từ xã hội, của gia đình, của nam giới đối với nữ giới mà còn chính bản thân phụ nữ ảnh hưởng lớn đến vai trò phụ nữ trong hoạt động xã hội.
Cấp ủy cơ sở cần có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; tạo điều kiện bồi dưỡng, giáo dục, định hướng phấn đấu cho nữ thanh niên trong các tổ chức đoàn, hội, các cơ sở giáo dục - đào tạo để xác định rõ động cơ phấn đấu vào Đảng, qua đó trong thời gian tới không bị “hẫng hụt” nguồn cán bộ lãnh đạo nữ ở các cấp, các ngành.