Tạo đà bứt phá cho HTX 'nương sông mà sống'
Vận tải du lịch đường thủy là thế mạnh của không ít HTX khi tận dụng tiềm năng của địa phương, nhất là mùa lễ hội đã đến. Tuy nhiên, các HTX vẫn cần sự hỗ trợ để hoàn thiện về mặt pháp lý, từ đó mới có thể cùng các doanh nghiệp đưa ngành vận tải đường thủy bứt phá.
Không đợi đến ngày khai hội (mùng 6 tháng Giêng), mà ngay từ những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết ẤT Tỵ 2025, hoạt động của HTX dịch vụ và du lịch Chùa Hương (Hà Nội) đã rất nhộn nhịp khi thu hút khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, trong đó có dịch vụ ngồi thuyền xuôi suối Yến đến tham quan các điểm chính của chùa. Tuyến đường thủy này có chiều dài khoảng 4km, được HTX Chùa Hương khai thác khá hiệu quả với 3.500 thuyền giúp khách có trải nghiệm khá thú vị trong thời gian di chuyển từ 45-60 phút.
Vẫn còn không ít rào cản
Để đảm bảo an toàn, các thành viên, chủ thuyền khi tham gia HTX Chùa Hương đều phải chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy trong việc vận hành khách như không chở quá số người, có áo phao, nước uống, thùng đựng rác…
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước có khoảng gần 1.800 HTX vận tải, trong đó có 215 HTX thủy nội địa, 3 HTX hàng hải, còn lại là HTX vận tải đường bộ.
Đối với các HTX đường thủy, ngoài vận chuyển hàng hóa còn phát triển dịch vụ chở khách du lịch, vận chuyển hành khách tại các bến ngang sông. Hoạt động của các HTX đang góp phần không nhỏ trong việc giúp ngành vận tải thủy nội địa của cả nước trong 10 năm qua tăng trưởng trung bình 10-12%/năm. Đặc biệt, nhiều HTX đã chủ động đầu tư mua sắm mới phương tiện, nâng chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, nắm bắt thế mạnh của địa phương và cơ hội từ thị trường.
Tuy nhiên, song song đó, có những HTX đường thủy vẫn gặp khó khăn nhất định trong quá trình kinh doanh, hoạt động nên chưa phát huy được hết những tiềm năng thế mạnh trong lĩnh vực này.
HTX dịch vụ tắm biển Thùy Vân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mở rộng sang dịch vụ kinh doanh ca nô, mô tô trượt nước, có kế hoạch khai thác dịch vụ về đêm tại bãi sau thành phố Vũng Tàu. Từ năm 2023, HTX đã hoàn thành đề án tổ chức và khai thác dịch vụ về đêm trên bãi sau TP Vũng Tàu với mong muốn mang đến một không gian mới cho du khách thưởng thức không khí biển vào ban đêm. Nhưng đến nay, đề án của HTX vẫn chưa được phê duyệt, nên việc mở rộng dịch vụ, tận dụng thế mạnh của địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch ban đêm của HTX chưa thành hiện thực.
“Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ nhận được sự phê duyệt từ các cấp lãnh đạo và sớm được triển khai, góp phần tạo thêm điểm đến hấp dẫn cho du khách”, bà Nguyễn Thị Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Thùy Vân chia sẻ.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Rạch Gầm (Tiền Giang) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, cho biết rất nhiều cầu bắc qua các sông hiện nay được xây dựng nhiều năm về trước nên thường là cầu nhỏ, thấp khiến các tàu thuyền, sà lan khó hoạt động hết công suất, khó có thể đầu tư tàu, thuyền cỡ lớn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và không tận dụng được lợi thế về đường thủy.
Có thể thấy, những khó khăn này đang khiến không ít HTX bị giảm năng lực cạnh tranh. Đó là chưa kể theo quy định, nếu muốn khai thác hệ thống mặt nước để phát triển các dịch vụ du lịch, vận chuyển khách, các HTX phải có kế hoạch, phải xin phép ngành chức năng. Nhưng đến nay, việc chưa có quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa, chưa có cơ chế khai thác, phát triển kinh tế ven sông, kênh rạch phục vụ du lịch… ở nhiều địa phương cũng kìm hãm sự phát triển của giao thông thủy nội địa của các HTX.
Gỡ khó để nắm bắt cơ hội
Theo Tổng cục Đường thủy nội địa Việt Nam, năm 2024, sản lượng vận tải hành khách đường thủy nội địa đạt hơn 353 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm 2023; vận tải hàng hóa đạt gần 529 triệu tấn, tăng 11,2%.
Ông Trần Đỗ Liêm cho biết, Nhà nước hiện đã có nhiều cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước tăng nhanh khiến lượng hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu tăng mạnh, thị trường vận tải đường thủy từ đó cũng mở rộng…, mở ra nhiều cơ hội cho HTX trong lĩnh vực này.
Do đó, cần tháo gỡ những quy định liên quan đang kìm hãm sự phát triển của các đơn vị vận tải đường thủy. Hay như việc mô hình HTX trong lĩnh vực này vẫn bị lép vế nên chưa được tham gia vào các hoạt động đầu tư như xây dựng hạ tầng BOT, BT, PPP… khiến những HTX “nương sông mà sống” bị mất đi nhiều cơ hội.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật về kinh tế tập thể trong lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải để nâng cao hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý nhà nước đối với các HTX trong lĩnh vực này. Những điều đó sẽ giúp HTX vận tải đường thủy, hàng hải yên tâm sản xuất - kinh doanh.
Ngoài những khó khăn khách quan, Hội đồng quản trị HTX dịch vụ du lịch Chùa Hương cho rằng cần chung tay bảo vệ những giá trị cốt lõi của mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực vận tải. Muốn vậy, các thành viên cần suy nghĩ thấu đáo trước khi chuyển nhượng cổ phần bằng việc đọc và nghiên cứu kỹ điều lệ của HTX. Điều này cũng hạn chế tình trạng tranh chấp không đáng có trong quá trình hoạt động giữa các thành viên với nhau và giữa thành viên với ban quản lý HTX. Nếu không cân nhắc, vấn đề này cũng sẽ tạo thêm rào cản cho HTX đang trên đà phát triển và làm mất quyền lợi chính đáng, lâu dài của một số thành viên.