Tạo cơ sở pháp lý để ứng phó hiệu quả trong tình trạng khẩn cấp
Trước những diễn biến khó lường do thảm họa, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh quốc gia... cần ban hành đạo luật về tình trạng khẩn cấp nhằm tạo lập cơ sở pháp lý cho thi hành, tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả khi xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước...
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) - cơ quan thường trực soạn thảo dự án Luật Tình trạng khẩn cấp chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Đồng chí cho biết sự cần thiết phải ban hành đạo luật về tình trạng khẩn cấp?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Tại Tờ trình số 126/TTr-CP ngày 5-3-2025 của Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Tình trạng khẩn cấp đã nêu rõ sự cần thiết phải ban hành luật về tình trạng khẩn cấp. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”; Quốc hội quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Do vậy, việc quy định các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân phải được quy định bằng văn bản luật, không thể là văn bản dưới luật.
Thực tế hiện nay, pháp luật về tình trạng khẩn cấp đang tồn tại những bất cập, như: Chưa phân biệt rõ khái niệm tình trạng khẩn cấp với tình huống cấp bách; chưa quy định rõ tình trạng khẩn cấp dưới hình thức văn bản pháp luật và thẩm quyền được ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp; các chính sách cứu trợ, hỗ trợ ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi kinh tế cũng chưa được quy định cụ thể.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ.
Từ khi có Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp và một số luật chuyên ngành có quy định về tình trạng khẩn cấp, nước ta chưa từng ban bố tình trạng khẩn cấp. Ngay trong giai đoạn chống đại dịch Covid-19, mặc dù chưa ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng một số biện pháp tương tự như biện pháp của tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng để ứng phó với đại dịch. Quá trình chống đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp, như: Cùng những tình huống tương tự xảy ra, với mức độ nguy hiểm như nhau, song việc áp dụng các biện pháp chưa thống nhất giữa các địa phương; cấp có thẩm quyền chưa ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng có địa phương đã ban hành các văn bản hành chính hạn chế quyền con người, quyền công dân; quy trình, thủ tục mua sắm trang thiết bị, vật chất, công tác bảo đảm hoạt động khi có tình huống còn lúng túng, bất cập... Vì thế, ngày 13-11-2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 41 yêu cầu Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp lên thành luật.
Bên cạnh đó, hiện nay, tình hình thế giới chuyển biến nhanh, phức tạp, theo chiều hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng lớp và phân tuyến mạnh. Điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột, chiến tranh diễn ra ở nhiều khu vực, phức tạp hơn, với nhiều hình thái và phương thức mới. Thiên tai ngày càng gia tăng, diễn biến bất thường; sự phát triển nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sự cố dẫn đến thảm họa gây hậu quả nghiêm trọng, đòi hỏi các quốc gia phải có biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, việc xây dựng, ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp là hết sức cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
PV: Thực trạng pháp luật về tình trạng khẩn cấp của nước ta hiện nay quy định như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Hiện nay, pháp luật về tình trạng khẩn cấp được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, từ Hiến pháp, luật đến văn bản dưới luật. Cụ thể: Hiến pháp năm 2013; Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp (năm 2000); Luật An ninh quốc gia (năm 2004); Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (năm 2007); Luật Tổ chức Quốc hội (năm 2014); Luật Thú y (năm 2015); Luật Quốc phòng (năm 2018); Luật Dân quân tự vệ (năm 2019); Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020)... Mặc dù có nhiều văn bản quy định về tình trạng khẩn cấp, song các văn bản, quy định này còn một số hạn chế, bất cập.
Trước hết, về khái niệm tình trạng khẩn cấp: Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không định nghĩa tình trạng khẩn cấp mà chỉ liệt kê những tình huống có thể ban bố tình trạng khẩn cấp; chưa phân biệt nội hàm của khái niệm tình trạng khẩn cấp với tình huống cấp bách, chưa quy định rõ ranh giới giữa các khái niệm này khiến việc áp dụng các biện pháp trong thực tiễn gặp nhiều lúng túng, bất cập, như trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua.

Các lực lượng tìm kiếm nạn nhân mất tích trong trận lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (tháng 9-2024). Ảnh: VIỆT TRUNG
Về hình thức và nội dung của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp chưa phù hợp, đầy đủ và bao quát các lĩnh vực cần ban bố tình trạng khẩn cấp. Cụ thể: Khoản 13, Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định thẩm quyền “quy định về tình trạng khẩn cấp” thuộc Quốc hội, nghĩa là vấn đề này phải được quy định dưới hình thức văn bản luật. Trong khi thực tế đang tồn tại một văn bản quy định về tình trạng khẩn cấp dưới hình thức pháp lệnh.
Về thẩm quyền quy định về tình trạng khẩn cấp và ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp: Hiến pháp năm 2013 quy định thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp, nhưng không quy định chủ thể đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp. Hiến pháp năm 2013 trao thẩm quyền “quy định về tình trạng khẩn cấp” cho Quốc hội và thẩm quyền “thi hành lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết” cho Chính phủ; không quy định trực tiếp vai trò của Thủ tướng Chính phủ trong tình trạng khẩn cấp nói chung và trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp nói riêng.
Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp trao trách nhiệm ban bố tình trạng khẩn cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không họp được thì cũng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp (Điều 2). Các chủ thể có liên quan đến thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp theo Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp bao gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Trong cả hai trường hợp, Thủ tướng Chính phủ đều có trách nhiệm đề nghị ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp.
Về thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp trong trường hợp dịch bệnh, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 (ban hành trước Hiến pháp năm 2013) cũng quy định về thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp giống như quy định tại Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, theo đó, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp”... Như vậy, về mặt nội dung, quy định liên quan đến trách nhiệm đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ chưa có sự thống nhất.
Về thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tình trạng khẩn cấp: Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp trao cho Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, theo Hiến pháp năm 2013, Viện Kiểm sát nhân dân không còn chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật mà chỉ còn chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
PV: Thưa đồng chí, thực tiễn ứng phó trong tình trạng khẩn cấp những năm qua ở nước ta như thế nào?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Kể từ khi có Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp và một số luật chuyên ngành có quy định về tình trạng khẩn cấp, Việt Nam chưa từng ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong giai đoạn chống dịch Covid-19, một số biện pháp tương tự như biện pháp của tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng. Qua đó, chúng ta thấy có nhiều tình huống cần phải giải quyết ngay, cần trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh; cần cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng những biện pháp khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục mua sắm trang thiết bị, vật chất, công tác bảo đảm hoạt động trong tình trạng khẩn cấp ở nhiều cấp, nhiều ngành còn lúng túng, chờ báo cáo, xin hướng dẫn... nên gây quá tải, thiếu thốn; việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ các hoạt động trong tình trạng khẩn cấp hạn chế; hợp tác quốc tế trong tình trạng khẩn cấp chưa kịp thời, hiệu quả.
PV: Đồng chí cho biết việc nghiên cứu luật pháp quốc tế và tình hình thế giới, khu vực để xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp đã được thực hiện ra sao?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổng hợp tài liệu, dịch, nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan đến tình trạng khẩn cấp của một số quốc gia như: Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... để xây dựng dự thảo luật bảo đảm bao quát các lĩnh vực ban bố tình trạng khẩn cấp, bảo đảm sự khoa học, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và mang tính khả thi cao.
Đặc biệt, chúng tôi đã nghiên cứu Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia ngày 24-9-1982 để quy định trong dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp. Chẳng hạn, khi Việt Nam ban bố hay bãi bỏ tình trạng khẩn cấp phải thông báo ngay cho các quốc gia thành viên Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, thông qua trung gian là Tổng thư ký Liên hợp quốc; trường hợp xảy ra thảm họa, dịch bệnh phức tạp, nguồn lực trong nước không đủ để ứng phó, khắc phục và đã ban bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để phòng ngừa, ứng phó và phối hợp triển khai những biện pháp khắc phục thảm họa...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
SƠN BÌNH (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.