Đảm bảo xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân
Góp ý kiến vào dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu lưu ý về yêu cầu đảm bảo xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân.
Tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp
Ngày 28/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc sửa đổi cơ bản các quy định về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) nhằm chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp như hiện nay (gồm: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) thành 2 cấp (gồm: cấp tỉnh và cấp xã).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều, cơ bản kế thừa nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc phân định thẩm quyền của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Trong đó, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã; Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương; Về hiệu lực thi hành và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.

Toàn cảnh Phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân
Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành với các lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời tán thành việc xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm thẩm tra.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo Luật như việc quy định UBND cấp xã có thẩm quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình có đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, chịu trách nhiệm về mọi vấn đề ở địa phương hay không? Việc quy định về số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã; việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp xã bảo đảm phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của địa phương và chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Ngoài ra, làm rõ thêm việc cụ thể hóa Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về chỉ định các chức danh của HĐND, UBND khi sắp xếp các đơn vị hành chính; tiếp tục rà soát quy định chuyển tiếp trong dự thảo Luật và các quy định khác có liên quan để có thể bao quát được hết các trường hợp cần chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, công việc của chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (không tổ chức cấp huyện), tránh bỏ sót, làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của của bộ máy chính quyền địa phương cũng như ảnh hưởng quyền lợi chính đáng và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận Phiên họp.
Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến nhất trí việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Bên cạnh đó, do dự thảo Luật có các điều, khoản liên quan trực tiếp đến quy định của Hiến pháp năm 2013 và một số luật đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và trình xem xét, thông qua đồng thời trong Kỳ họp thứ 9 này, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bám sát nội dung sửa đổi trong Hiến pháp và các luật nói trên bảo đảm nội dung cần sửa đổi trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với quy định của Hiến pháp và thống nhất với các luật có liên quan.
Đồng thời, các đại biểu cũng góp ý vào một số nội dung cụ thể liên quan tới quy định UBND cấp xã có thẩm quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình; số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã; quy định chuyển tiếp trong dự thảo Luật... Trong đó, lưu ý về yêu cầu đảm bảo xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động, tích cực, trách nhiệm trong việc chuẩn bị hồ sự dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã tiến hành thẩm tra nghiêm túc, khẩn trương, thể hiện rõ quan điểm trên toàn diện các vấn đề Hồ sơ, Tờ trình nêu. Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung chính của dự án Luật, đề nghị Chính phủ căn cứ vào ý kiến của các cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Trong đó, lưu ý một số nội dung về quy định UBND cấp xã được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình; việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã; việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, đội ngũ công chức tham mưu giúp việc UBND xã; cụ thể hóa Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị; giải trình rõ hơn vấn đề cơ cấu HĐND; vai trò của Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND; rà soát quy định về điều khoản chuyển tiếp đảm bảo đồng bộ với Hiến pháp và các luật liên quan được trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này...