Tạo cơ hội cho phụ nữ

Từ xưa đến nay, phụ nữ luôn là một lực lượng quan trọng và đông đảo trong đội ngũ những người lao động tạo dựng nên xã hội. Phụ nữ thể hiện vai trò quan trọng của mình trong mọi lĩnh vực với những quan điểm và tài năng mới. Thế nhưng, ở nước ta có quá ít phụ nữ tham gia vào hệ thống sở hữu trí tuệ khiến 'sân chơi' này thiếu vắng những 'bóng hồng'.

Hội thảo “Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ giới”. (Ảnh - VGP/Hoàng Giang)

Hội thảo “Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ giới”. (Ảnh - VGP/Hoàng Giang)

Vai trò phụ nữ thời hiện đại

Nếu như ngày trước, nhắc đến phụ nữ, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh những người mẹ, người vợ đầu bù tóc rối, tất bật cả ngày với công việc nội trợ thì trong ngày nay, một nửa dịu dàng của thế giới đã khoác lên mình một dáng vẻ hoàn toàn khác. Trong thời hiện đại, phụ nữ ngày càng nâng cao vai trò và vị thế của mình trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng có nhiều cơ hội để phụ nữ phát triển toàn diện về cả trí tuệ, sức khỏe, năng lực. Bằng sự khéo léo và sáng tạo của mình, phụ nữ đã định hình thế giới theo cách riêng của họ. Mỗi ngày, phụ nữ trên toàn cầu vẫn đang ghi dấu ấn trong việc thúc đẩy các đột phá khoa học, thiết lập xu hướng sáng tạo mới, tạo dựng doanh nghiệp và làm biến đổi thế giới của chúng ta bằng những quan điểm và tài năng mới.

Tại nước ta cũng vậy, suốt thời gian qua chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu mà phụ nữ gây dựng. Nhất là khi công tác phụ nữ không ngừng lớn mạnh, vai trò và vị thế của phụ nữ ngày càng được phát huy và có đóng góp ngày càng to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó được chứng minh qua những con số như: 30,26% đại biểu Quốc hội là nữ; tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%; tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất và nhiều thành tựu khác.

Đặc biệt đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ tại nước ta, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng, chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, cao hơn so với trung bình thế giới chỉ có 30%. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, họ đã được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận.

Tuy nhiên, những rào cản từ công việc, gia đình và xã hội khi phụ nữ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng đem tới cho họ không ít áp lực và thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất của thời đại ngày nay vẫn là những định kiến giới, khuôn mẫu giới đang tác động và ảnh hưởng tới phụ nữ trong việc tạo cơ hội cho họ tham gia vào lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” có lẽ không chỉ có trong xã hội mà ngay cả trong giới phát minh vẫn còn tồn tại.

Ngoài ra, những rào cản đến từ cơ chế chính sách như thiếu những đãi ngộ để động viên, khuyến khích các nhà khoa học nữ tham gia vào làm công tác nghiên cứu. Hay cả thách thức trước sự phát triển ngày càng lớn của công nghệ cũng đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà khoa học nữ, càng khó khăn hơn khi họ vẫn phải cân bằng giữa công việc và gia đình.

Và có lẽ một trong những rào cản lớn nhất của các nhà khoa học nữ đó là vượt lên chính mình để tỏa sáng. Vì những tư tưởng “tôi không làm được”, “đây không phải việc của phụ nữ” hay “có lẽ nên thôi thì hơn” đã “buộc chặt” đôi chân của nhiều người phụ nữ, khiến họ không dám bước ra khỏi vùng an toàn và chứng minh bản thân mình trước thế giới.

Phụ nữ Việt khẳng định tài năng. (Ảnh - vietnamplus.vn)

Phụ nữ Việt khẳng định tài năng. (Ảnh - vietnamplus.vn)

Cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ

Trong mọi lĩnh vực nói chung và lĩnh vực sáng chế nói riêng, việc phụ nữ “buộc chặt” đôi chân mình thể hiện rõ nhất qua việc hiện nay có quá ít phụ nữ tham gia vào hệ thống sở hữu trí tuệ. Điều đó có nghĩa là có quá ít phụ nữ được hưởng lợi từ sở hữu trí tuệ. Trong khi quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp phụ nữ không chỉ được bảo vệ về mặt pháp luật mà còn nâng cao, gia tăng giá trị cho công việc, phát minh của họ.

Tuy nhiên, khoảng cách giới trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và đặc biệt trong đó là việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của các nước trên thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), 16,5% là tỷ lệ mà các nhà sáng chế là phụ nữ đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế quốc tế. Đây được coi là một tỷ lệ thấp trong hệ thống sở hữu trí tuệ, so với tỷ lệ giới tính giữa nam và nữ trên thế giới. Như tại Mỹ, một trong những nơi dẫn đầu thế giới về các nhà khoa học cho thấy nam giới đăng ký đơn sáng chế quốc tế nhiều gấp đôi so với nữ giới.

Rõ ràng, những khó khăn mà các nhà khoa học và đổi mới sáng tạo, doanh nhân nữ phải đối diện đều đã thấy rõ. Tuy nhiên, để nước ta khuyến khích nhiều phụ nữ hơn sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ, thoát khỏi tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” trong giới phát minh lại không phải điều dễ dàng.

Chính vì vậy, nhân Ngày 26/4 - “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”, chủ đề Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã được lựa chọn. WIPO muốn sử dụng thông điệp này nhằm tôn vinh tất cả những người phụ nữ tài năng trên toàn thế giới. WIPO muốn đưa mọi người hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ và giải phóng sự khéo léo và sáng tạo của phụ nữ, trẻ em gái ở khắp mọi nơi.

Để làm được điều đó, một số chuyên gia đề xuất, cần thúc đẩy hợp tác với các cơ quan liên quan nhằm hỗ trợ các nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo đăng ký sở hữu trí tuệ. Đồng thời hỗ trợ cung cấp các chương trình đào tạo cho phụ nữ Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách, tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo để họ có thể cạnh tranh một cách công bằng ở cấp độ quốc tế.

Nghiên cứu, đề xuất thay đổi quy định pháp luật, điều ước và chính sách trong nước và quốc tế để giúp các nhà sáng chế, doanh nhân nữ có được vị thế thích hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa không ngừng phát triển.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác với các chính phủ, tổ chức công, hoặc các tổ chức, hiệp hội khác để thực hiện các hoạt động liên quan hỗ trợ các nhà sáng chế và doanh nhân nữ như: Diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế về sáng chế của nữ… Như vào năm 2022, Hội thảo “Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ giới” đã tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ tiếp cận với hệ thống sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào công cuộc này phải kể đến các đề án về hỗ trợ phụ nữ. Đặc biệt là Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, qua 4 năm thực hiện Đề án này, đã có gần 3.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tại cấp Trung ương, hơn 72.000 phụ nữ khởi nghiệp, 1.451 doanh nghiệp và 523 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ thành lập mới từ hỗ trợ của Đề án.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội cũng ngày càng thiết thực, kết nối với doanh nhân, nhà khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Đây là những kết quả vô cùng quan trọng giúp tạo thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ tham gia vào hệ thống sở hữu trí tuệ, vì vậy trong tương lai nước ta cần thêm nhiều đề án hỗ trợ phụ nữ.

WIPO cho biết, một số nhóm đối tượng đang được WIPO dành nhiều sự quan tâm, đó là phụ nữ, giới trẻ và doanh nhân. Bởi theo khảo sát, ở các nước trên thế giới, hơn 50% các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ và ở Việt Nam là trên 60%. WIPO tôn trọng bình đẳng giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ cho các nhà sáng tạo, doanh nhân nữ để giúp họ sử dụng sở hữu trí tuệ như là công cụ đắc lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp…

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tao-co-hoi-cho-phu-nu-post473361.html
Zalo