Tạo cơ chế vượt trội cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhằm đưa lĩnh vực này thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15/2, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH
Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Nghị quyết nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các chính sách phải ưu đãi vượt trội để tháo gỡ, giúp những việc lớn chuyển động sẽ tác động đến các hoạt động khác thay đổi theo.
Với tinh thần đổi mới sáng tạo, sẽ giúp Việt Nam thực hiện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công với hạ tầng số phát triển tiên tiến, công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, Chính phủ đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; ưu đãi thuế cho khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Chính phủ đề xuất sử dụng ngân sách trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng, duy trì, vận hành, bảo trì nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng để sử dụng chung cho các cơ quan, tổ chức.
Dự thảo bổ sung quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Họ không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu xảy ra tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí.
Nghị quyết cũng thí điểm cơ chế để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.
Huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ
Thảo luận tại tổ về Dự Nghị quyết, các đại biểu Quốc hội thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết để khẩn trương thể chế hóa một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Đ. KHOA
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, muốn thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển thì vấn đề đầu tiên cần tháo gỡ đó là phải có đầu tư của Nhà nước đối với hạ tầng, nhất là những hạ tầng trọng điểm liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao, dứt khoát phải đầu tư sớm. “Đây là vốn mồi rất quan trọng để huy động được nguồn lực của xã hội, của tư nhân và sẵn sàng khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư”- đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nói.
Đại biểu cũng đề xuất, để thực hiện Nghị quyết số 57 thì trước mắt cần chú trọng đầu tư vào những lĩnh vực có thể ứng dụng ngay được vào sản xuất, như công nghệ bán dẫn, AI, điện toán đám mây, để ứng dụng và đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trên toàn hệ thống. Về lâu dài, đại biểu đề nghị phải đầu tư cho các ngành khoa học cơ bản, bởi hiện nay đây là cái ta thiếu rất lớn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh, nên hướng đến huy động toàn bộ nguồn lực xã hội, không chỉ từ ngân sách nhà nước để thúc đẩy khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Bởi lẽ, trong nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp tư nhân đang đi đầu về đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu, sáng tạo như cơ khí, chuyển đổi số… Do đó, Nhà nước cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, có cơ chế hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Nhấn mạnh vấn đề vướng nhất hiện nay là công tác quản lý các chương trình, dự án khoa học công nghệ, các đại biểu đề nghị cần thực hiện ngay chế độ khoán chi, giao hẳn cho các nhà khoa học làm chủ quyết định và chỉ kiểm tra, đánh giá trên sản phẩm đầu ra.
“Khoán chi kiểu nửa vời thì không nên khoán chi. Tôi đề nghị quy định về khoán chi phải thể hiện tính triệt để, giao cho tổ chức khoa học, họ phải chịu trách nhiệm cuối cùng, phải có sản phẩm” - đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu thảo luận. Ảnh: Đ. KHOA
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng,trong hoạt động khoa học công nghệ có những loại hoạt động nghiên cứu thường xuyên và loại hoạt động nghiên cứu theo đặt hàng của Nhà nước. Đối với nghiên cứu khoa học thường xuyên cần giản lược hóa mọi thủ tục thì mới dẫn đến thay đổi mang tính chất đột phá. “Nếu cứ tư duy trăm triệu, hai trăm triệu đề tài cấp bộ, cấp trường mà đi quản thủ tục, nguyên đi làm thủ tục đã mất hơn nửa thời gian rồi thì sẽ không khuyến khích được các nhà khoa học” - đại biểu Nguyễn Đắc Vinh chỉ rõ.
Liên quan đến cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, các đại biểu cho rằng, vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo để có phương án xử lý thuyết phục hơn, cần phân biệt rõ rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ với việc lợi dụng thẩm quyền hoặc quản lý không chặt chẽ trong các hoạt động khác.