Tạo chính sách đột phá phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính

Các đơn vị phụ trách xây dựng cơ chế cho đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đang tìm hướng đi cho các thử nghiệm mang tính đột phá, trong đó nhắc nhiều đến cơ hội phát triển mô hình ứng dụng công nghệ tài chính (fintech). Tuy nhiên, các nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, quy định về mô hình kinh doanh, sản phẩm và giám sát phải rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp tham gia cảm thấy an toàn và người tiêu dùng được bảo vệ.

Khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều cao ốc văn phòng phù hợp xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. (Ảnh THẾ ANH)

Khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều cao ốc văn phòng phù hợp xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. (Ảnh THẾ ANH)

Thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong các hoạt động kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Cơ chế sandbox này sẽ giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ mới mà không lo gặp phải những rủi ro lớn, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Các giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong Trung tâm Tài chính dự kiến sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2026.

Tham vấn với các chuyên gia về vấn đề này, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS) cho biết, thành phố đã đặt hàng nhiều nhóm nghiên cứu theo chuyên đề khác nhau, hiện đang tiếp tục lấy ý kiến các bên để hoàn thiện, dự kiến trình tháng 5 tới đây. Trong đó, có ba nhóm đối tượng mà sandbox hướng đến, bao gồm: Nhóm tài chính truyền thống hiện hữu, nhóm công ty công nghệ sáng tạo và nhóm công ty dịch vụ đi theo.

Theo Tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế-Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF), cần cơ chế để các doanh nghiệp fintech Việt Nam có thể sáng tạo, thử nghiệm những mô hình mới rồi dần dần điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Có thể áp dụng một số cơ chế là khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với những đối tác nước ngoài thật sự mạnh hoặc fintech Việt làm chủ công nghệ để thương lượng sòng phẳng với nước ngoài…

Đồng tình với ý kiến nêu trên, ông Đức Trần, Giám đốc Quỹ Đầu tư IDG Capital Vietnam Blockchain cho rằng, khi triển khai mô hình sandbox cho fintech-có thể vừa làm vừa điều chỉnh. Nhiều năm trước, thị trường tài chính Việt Nam từng có một số trường hợp áp dụng cơ chế thử nghiệm mô hình thanh toán, mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tạo thành liên minh thanh toán và đều thành công. Trong quá trình thử nghiệm cơ chế cho fintech ở Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cần phải độc lập với hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm ở hiện tại.

Ông Trương Minh Huy Vũ cho biết thêm: Ngoài dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế, còn có ba dự thảo bộ luật khác có liên quan cũng đang được lấy ý kiến. Chẳng hạn Luật Công nghiệp công nghệ số có nhắc đến câu chuyện của tài sản số. Thành phố Hồ Chí Minh nhận thức được câu chuyện blockchain (công nghệ chuỗi khối) và nguồn nhân lực là thế mạnh cạnh tranh của mình. Tinh thần là đột phá về chính sách, thành phố cần ý tưởng tốt nhưng cũng cần phải quản trị rủi ro khi thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới.

Cần chính sách đột phá nhưng tránh rủi ro

Với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ và mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ hiện đại, việc quản lý và giám sát các hoạt động này gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cơ chế sandbox được đánh giá là rất cần thiết để tạo ra một không gian thử nghiệm có kiểm soát, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời ngăn ngừa rủi ro. Các chuyên gia cho rằng, xây dựng sandbox cần có các quy định rõ ràng và khả thi để bảo đảm các doanh nghiệp tham gia cảm thấy an toàn và bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.

Luật sư Trần Đức Bảo nhấn mạnh, khung sandbox cần phải đáp ứng ba yếu tố: dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm soát. Một việc cần phải làm rõ về mặt pháp lý là ứng xử với tiền số như thế nào, là tiền tệ hay hàng hóa, đánh thuế như thế nào để tránh thất thoát và có cơ chế ứng xử, giải quyết tranh chấp ra sao khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến. Tiến sĩ Ngô Minh Hải đề xuất hai hướng xây dựng sandbox: Một là, khoanh vùng thử nghiệm cho các đối tác và nghiên cứu khung pháp lý, chính sách hỗ trợ phù hợp với Việt Nam; hai là, tạo cơ chế sandbox dành riêng cho các doanh nghiệp fintech trong nước, giúp kiểm soát công nghệ và nhân sự, từ đó tự tin tham gia vào hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

Về mặt pháp lý, Luật sư Trần Anh Đức chia sẻ, khung pháp lý cần tuân thủ các thông lệ quốc tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi hàng triệu tài khoản giao dịch tiền mã hóa đã được mở và một lượng ngoại tệ lớn đã được chuyển ra ngoài Việt Nam. Việc hợp thức hóa các giao dịch này không chỉ giúp kiểm soát hoạt động mà còn tạo cơ hội thu thuế và tăng cường quản lý nhà nước. Với cơ sở pháp lý phù hợp, sandbox không chỉ là công cụ thử nghiệm giúp thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào ngành tài chính mà còn tạo điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái tài chính, tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và toàn cầu ■

NGUYÊN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-chinh-sach-dot-pha-phat-trien-linh-vuc-cong-nghe-tai-chinh-post858565.html
Zalo