Tantalum là gì và tại sao Nga đang khan hiếm?
Là thành phần thiết yếu trong các thiết bị điện tử quân sự tiên tiến, tantalum của Nga hiện đang trong tình trạng khan hiếm nghiêm trọng do lệnh trừng phạt quốc tế và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Một kim loại hiếm ít người biết đến - tantalum đang âm thầm trở thành điểm nghẽn chiến lược trong nỗ lực chiến đấu của Nga. Khi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài, loại khoáng sản tưởng chừng không mấy ai chú ý này có thể trở thành yếu tố then chốt định hình kết cục của một cuộc xung đột tiêu hao công nghệ cao. Vào tháng 1/2025, nhóm tình báo nguồn mở của Ukraine là Frontelligence Insight đã công bố một nghiên cứu tiết lộ sự phụ thuộc của Nga vào tantalum - loại khoáng sản hiếm và thiết yếu đối với các thiết bị điện tử tiên tiến và tụ điện quân sự.

Một tinh thể tantalum đơn có độ tinh khiết cao (99,999%). Ảnh: Wikipedia
Báo cáo trên đã lần theo chuỗi cung ứng đưa tài nguyên chiến lược này vào ngành quốc phòng của Nga bất chấp sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Mặc dù ban đầu ít được chú ý nhưng báo cáo gần đây đã xuất hiện trở lại trên truyền thông phương Tây và được xem là bằng chứng cho thấy Moscow có thể đang cạn kiệt các nguồn lực quan trọng do bị trừng phạt.
Theo Telegraph: "Đây là một trong nhiều cách để ông Trump có thể gia tăng sức ép lên ngành sản xuất vũ khí của Tổng thống Putin" và rằng, các biện pháp trừng phạt "có thể phát huy hiệu quả nếu nó được thực thi một cách nghiêm túc".
Tantalum là một loại khoáng sản không thể thiếu trong quá trình chế tạo tụ điện cao cấp dùng cho vũ khí dẫn đường chính xác và khí tài quân sự tiên tiến. Telegraph cho biết, các lệnh trừng phạt từ nước ngoài đã bắt đầu gây gián đoạn cho năng lực tiếp cận kim loại này của Nga.
Tại sao tantalum lại quan trọng trong chiến tranh hiện đại?
Tantalum là kim loại chuyển tiếp hiếm, có màu xám xanh, được đánh giá cao nhờ sự kết hợp đặc biệt giữa độ bền, khả năng dẫn điện và khả năng chống nhiệt cũng như chống ăn mòn vượt trội. Với điểm nóng chảy trên 3.000 độ C và tính ổn định hóa học cao ngay cả trong môi trường khắc nghiệt nhất, tantalum không chỉ là một nguyên tố “lạ” trong bảng tuần hoàn mà còn là nền tảng của công nghệ cao hiện đại.
Dù phần lớn người dân chỉ biết đến tantalum qua các tụ điện nằm sâu bên trong điện thoại thông minh và máy tính xách tay nhưng tầm quan trọng chiến lược thực sự của nó nằm ở vai trò trong các lĩnh vực trọng yếu như hàng không vũ trụ, năng lượng và đặc biệt là quốc phòng.
Tụ điện tantalum nhỏ gọn, cực kỳ đáng tin cậy và có thể hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, khiến chúng trở nên lý tưởng cho các thiết bị điện tử chính xác sử dụng trong hệ thống quân sự.
Các đặc tính của tantalum khiến nó không thể thay thế trong việc chế tạo các bộ phận phải hoạt động dưới áp lực và nhiệt độ cực hạn. Trong ngành hàng không - quốc phòng, tantalum được sử dụng trong:
Động cơ phản lực và tua-bin: Hợp kim tantalum được dùng trong cánh tua-bin và các bộ phận bên trong động cơ phản lực, giúp chống mỏi nhiệt và ăn mòn trong điều kiện vận hành với tốc độ cao và nhiệt độ cao.
Tên lửa và rocket: Khả năng chịu nhiệt của tantalum khiến nó trở thành thành phần chủ chốt trong hệ thống đẩy và các thành phần cấu trúc phải chịu nhiệt độ cao và áp lực lớn trong quá trình bay.
Đạn xuyên giáp: Với mật độ cao và độ cứng lớn, tantalum được ứng dụng trong các đầu đạn xuyên phá có khả năng xuyên thủng xe bọc thép và công sự kiên cố.
Thiết bị điện tử quân sự: Tụ điện tantalum có cả trong hệ thống radar, máy tính điều hướng, thiết bị liên lạc bảo mật và hệ thống ngắm bắn, bất kỳ bộ phận nào yêu cầu độ tin cậy và hiệu suất
Bên trong kho vũ khí Nga
Quân đội Nga, đặc biệt là các đơn vị tinh nhuệ, phụ thuộc đáng kể vào các linh kiện sử dụng tantalum trong các vũ khí tiên tiến của mình. Bất chấp các lệnh trừng phạt và nỗ lực nội địa hóa chuỗi cung ứng, nhiều hệ thống vũ khí uy lực nhất của Điện Kremlin vẫn dựa vào các tụ điện tantalum cho các thiết bị điện tử quan trọng.
Danh sách một số loại vũ khí Nga được biết đến có chứa linh kiện sử dụng tantalum bao gồm: xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 B3; tên lửa đạn đạo KN-23; tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal; tên lửa hành trình 9M727, được sử dụng trong hệ thống Iskander-K; tên lửa không đối không và không đối đất R-77 và Kh-59; các dòng UAV như Supercam và các mẫu Shahed do Iran sản xuất; hệ thống radio bảo mật như R-168 và R-392 được lực lượng mặt đất Nga sử dụng…
Ảnh hưởng của lệnh trừng phạt: Điểm nghẽn thầm lặng của Nga lộ diện
Nga hiện dựa vào 3 nguồn cung chính: sản lượng khiêm tốn trong nước, nhập khẩu từ các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo, Brazil, Rwanda và Trung Quốc cùng với các nguồn hàng từ Kyocera AVX - một công ty điện tử Nhật - Mỹ có nhà máy sản xuất tại El Salvador.
Tuy nhiên, tình hình của Moscow không mấy khả quan: "Phần lớn tantalum vẫn đến từ nước ngoài. Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu đã bóp nghẹt nguồn cung đó".
Nga cũng có trữ lượng tantalum nội địa, nhưng phần lớn chưa được khai thác và theo một số ước tính có năng suất thấp hơn 50 lần so với các mỏ giàu khoáng sản tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Tóm lại, báo cáo vẽ nên một bức tranh cho thấy ngành quốc phòng Nga ngày càng bị dồn vào thế bí bởi sự thiếu hụt nguyên vật liệu.
“Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy, dù không hoàn hảo, các lệnh trừng phạt thực sự đang phát huy tác dụng", Frontelligence kết luận.
Tantalum không chỉ là tài sản chiến lược mà còn là một điểm yếu. Khi phần lớn nguồn cung toàn cầu đến từ chỉ vài quốc gia, các lệnh trừng phạt nhắm vào việc buôn bán tantalum có thể làm suy giảm nghiêm trọng khả năng duy trì và nâng cấp các hệ thống tiên tiến nhất của Nga.
Các báo cáo tình báo gần đây cho thấy tantalum có thể trở thành một trong những “điểm nghẽn thầm lặng”, làm suy yếu năng lực tác chiến công nghệ cao của Nga về dài hạn.
Khủng hoảng nguồn cung khi xung đột kéo dài
Theo Telegraph, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang chịu áp lực rõ rệt từ chiến dịch quân sự kéo dài tại Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ tư. Những dấu hiệu căng thẳng thể hiện rõ dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.000km.
Nguồn cung tantalum đang suy giảm nhanh chóng, âm thầm làm suy yếu khả năng duy trì sản xuất vũ khí của Nga. Trong nhiều năm, các nhà máy quốc phòng Nga phụ thuộc vào nguồn tantalum tinh chế từ một cơ sở lớn duy nhất tại Kazakhstan. Nhưng nguồn cung này đã đứt đoạn khi Kazakhstan gia nhập liên minh trừng phạt, chấm dứt nguồn cung tantalum tinh khiết mà Nga cần.
Moscow đã chuyển hướng sang các nhà cung cấp Trung Quốc, nhưng kết quả không khả quan. Theo Frontelligence, các lô hàng tantalum từ Trung Quốc có chất lượng thấp, buộc Nga phải tiếp tục tìm kiếm giải pháp thay thế.
Những con số thống kê cũng cho thấy tình hình nghiêm trọng. Ngành công nghiệp Nga được cho là cần khoảng 770 kg tantalum tinh khiết mỗi tháng để duy trì sản xuất. Để đáp ứng các hợp đồng vũ khí hiện tại trong vài tháng tới, họ cần hơn 4,5 tấn. Tuy nhiên, kho dự trữ hiện tại chỉ có khoảng 2 tấn, chưa đến một nửa mức cần thiết.
Liệu Nga có giải được bài toán tantalum?
Dù các nghiên cứu trước đó vẽ nên bức tranh ảm đạm về nguồn cung tantalum của Nga nhưng cần lưu ý rằng phần lớn dữ liệu được thu thập từ tháng 1/2025. Tới tháng 5, một số nguồn tin từ Nga cho biết họ dự kiến sản xuất 633 tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-101 trong năm nay. Điều này cho thấy nút thắt tantalum có thể đã được nới lỏng phần nào, ít nhất là tạm thời.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn giữ thái độ hoài nghi. Quặng tantalum thô là chưa đủ, nó cần được tinh luyện thành bột tinh khiết cao, một quy trình đòi hỏi cơ sở hạ tầng công nghệ cao và chuỗi cung ứng vẫn đang chịu áp lực lớn. Ngay cả khi một số điểm nghẽn đã được “vá” tạm thời, tính bền vững lâu dài của hoạt động sản xuất tên lửa tại Nga vẫn là dấu hỏi.
Khi cuộc xung đột tại Ukraine bước sang năm thứ tư, căng thẳng với ngành công nghiệp quân sự Nga không chỉ hiện hữu mà còn có thể đo lường được. Từ tiền tuyến cho đến xưởng sản xuất, sự thiếu hụt các nguyên liệu chiến lược như tantalum đang từng bước làm suy yếu khả năng duy trì kho vũ khí công nghệ cao của Moscow.
Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt, chôn sâu trong chuỗi cung ứng nay có thể trở thành bước ngoặt chiến lược. Trong một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài, không chỉ đạn dược và bom đạn quyết định thắng thua mà còn là những nguyên liệu đứng sau các bảng mạch điện tử.