Ấn Độ và Pakistan được gì, mất gì sau đối đầu quân sự?
Sau 4 ngày giao tranh dữ dội giữa Ấn Độ và Pakistan, giới phân tích nhận định không bên nào có được ưu thế chắc chắn, khi họ đều có thể tuyên bố giành những lợi thế chiến lược.

Lệnh ngừng bắn ngày 10/5 đã kéo Ấn Độ và Pakistan khỏi bờ vực của một cuộc chiến toàn diện sau nhiều ngày căng thẳng quân sự leo thang nhanh chóng, khi quốc gia nào cũng tuyên bố “chiến thắng”, theo Al Jazeera.
Chuyện gì đã xảy ra?
Xung đột nổ ra sau khi những tay súng giết chết 26 thường dân ở Pahalgam, thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý, hôm 22/4. Nhóm Mặt trận Kháng chiến (TRF) nhận trách nhiệm, còn Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn cho nhóm này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ trả đũa, dù Pakistan phủ nhận mọi vai trò.
Sau loạt biện pháp ngoại giao “ăn miếng trả miếng”, căng thẳng quân sự bùng nổ. Sáng 7/5, Ấn Độ bắn tên lửa vào “căn cứ khủng bố” ở khu vực Kashimir do Pakistan quản lý và 4 địa điểm thuộc tỉnh Punjab. Những ngày sau đó, hai bên tấn công qua lại bằng máy bay không người lái và đổ lỗi cho đối phương khơi mào giao tranh.
Căng thẳng lên tới đỉnh điểm vào hôm 10/5 khi Ấn Độ và Pakistan bắn tên lửa vào các căn cứ quân sự của nhau. Ấn Độ ban đầu nhắm vào 3 căn cứ không quân của Pakistan, gồm một căn cứ ở Rawalpindi - thành phố đặt trụ sở của quân đội Pakistan. Tên lửa của Pakistan rơi vào ít nhất 4 cơ sở quân sự khắp biên giới và khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý.

Người dân vẫy cờ ủng hộ Lực lượng vũ trang Ấn Độ sau thông báo ngừng bắn hôm 13/5. Ảnh: Reuters.
Giữa lúc thế giới chuẩn bị tâm lý cho một cuộc chiến toàn diện giữa hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân, Tổng thống Donald Trump tuyên bố lệnh ngừng bắn do “Mỹ làm trung gian”. Pakistan tỏ lòng biết ơn với Mỹ, ngay cả khi Ấn Độ khẳng định ngừng giao tranh là do 2 bên tự quyết mà không có bên thứ 3 can thiệp.
Quốc tế hóa Kashmir - làm nổi bật chủ nghĩa khủng bố
Lần đối đầu quân sự tuần trước - giống 3 trên 4 cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan - bắt nguồn từ tranh chấp về khu vực Kashmir.
Pakistan và Ấn Độ quản lý các phần khác nhau của Kashmir, cùng với Trung Quốc. Ấn Độ tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Kashmir, trong khi Pakistan tranh chấp phần do Ấn Độ quản lý.
Sau cuộc chiến năm 1971 giữa Ấn Độ và Pakistan dẫn đến thành lập Bangladesh, New Delhi và Islamabad ký Hiệp định Simla, trong đó cam kết giải quyết "những bất đồng bằng các biện pháp hòa bình thông qua đàm phán song phương".
Kể từ đó, Ấn Độ lập luận tranh chấp Kashmir và các căng thẳng khác là vấn đề song phương và không có bên thứ ba. Tuy nhiên, Pakistan trích dẫn các nghị quyết Liên Hợp Quốc để kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy giải pháp.
Walter Ladwig - giảng viên cao cấp tại Đại học King's College London - cho biết xung đột mới nhất mang cho Pakistan cơ hội quốc tế hóa vấn đề Kashmir, vốn là mục tiêu chiến lược lâu dài của nước này. Ngược lại, ông cho rằng Ấn Độ phải chấp nhận lệnh ngừng bắn do bên ngoài làm trung gian, thay vì chấm dứt xung đột theo các điều khoản của riêng mình.
“Islamabad hoan nghênh hòa giải từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, coi lệnh ngừng bắn là bằng chứng cho thấy cần có vai trò bên ngoài”, ông Ladwig nói.
Trong khi đó, theo Sudha Ramachandran - biên tập viên của tạp chí The Diplomat, chính phủ Ấn Độ có thể củng cố nhóm ủng hộ trung thành theo chủ nghĩa dân tộc thông qua hoạt động quân sự, song mất một số điểm về mặt chính trị với lệnh ngừng bắn. "Những người theo đường lối cứng rắn không ủng hộ Lệnh ngừng bắn", ông Ramachandran nói.
Dẫu vậy, "về mặt ngoại giao, Ấn Độ thành công thu hút sự chú ý của quốc tế vào các nhóm chiến binh tại Pakistan, tiếp tục kêu gọi Islamabad hành động", theo ông Ladwig. “Trong khi Islamabad phủ nhận liên quan và kêu gọi điều tra trung lập, gánh nặng chứng minh họ đang chủ động chống khủng bố ngày càng lớn”.
Ấn Độ từ lâu cáo buộc Pakistan tài trợ, đào tạo cho các nhóm vũ trang ủng hộ Kashmir ly khai khỏi Ấn Độ. Pakistan khẳng định chỉ cung cấp hỗ trợ ngoại giao và tinh thần cho phong trào ly khai Kashmir.
Bắn hạ máy bay - vươn xa khỏi biên giới
Ấn Độ tuyên bố các cuộc không kích hôm 7/5 giết chết hơn 100 "kẻ khủng bố", còn Pakistan cáo buộc tên lửa Ấn Độ tấn công các nhà thờ Hồi giáo và khu dân cư, cướp đi sinh mạng của 40 dân thường và 11 quân nhân.

Cờ Pakistan tung bay ủng hộ quân đội một ngày sau thông báo ngừng bắn hôm 11/5. Ảnh: Reuters.
Islamabad đã điều động máy bay chiến đấu đáp trả và bắn hạ nhiều máy bay phản lực của Ấn Độ. New Delhi không xác nhận hay phủ nhận thông tin này, song các quan chức Pháp và Mỹ cho hay Ấn Độ mất ít nhất một chiếc Rafale và một máy bay phản lực do Nga sản xuất. Ấn Độ chỉ nói có ít nhất 2 máy bay đã rơi trên khu vực nước này kiểm soát nhưng không chỉ rõ thuộc về quốc gia nào.
Asfandyar Mir - thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson - nói lệnh ngừng bắn củng cố một lợi ích của Pakistan: “Máy bay bị bắn hạ được xác nhận bởi nhiều nguồn độc lập, có lợi cho Pakistan”.
Còn Muhammad Shoaib - nhà phân tích học thuật và an ninh tại Đại học Quaid-i-Azam - gọi đòn không kích là tính toán chiến lược sai lầm: “Họ hiểu sai về khả năng đáp trả của Pakistan”. Tuy nhiên, ông Ladwig lại cho rằng những chiến thắng của Pakistan, như khả năng bắn hạ máy bay phản lực, chỉ mang tính biểu tượng và không đem lại lợi ích quân sự rõ ràng nào.
Theo nhiều cách, các chuyên gia nhận định Ấn Độ đạt nhiều thành tựu quân sự hơn.
Tên lửa của Ấn Độ hôm 7/5 nhắm vào 4 địa điểm ở Punjab, trung tâm kinh tế và bang đông dân nhất Pakistan. Trong hai ngày tiếp theo, Ấn Độ cũng phóng máy bay không người lái bay vào sâu bên trong lãnh thổ Pakistan, trong đó có các trung tâm dân số lớn như Lahore và Karachi. Nhìn chung, Ấn Độ chứng minh họ có thể tiếp cận sâu vào lãnh thổ hơn so với Pakistan.
Liệu có thể duy trì lệnh ngừng bắn không?
Hôm 12/5, Ấn Độ và Pakistan điện đàm và cam kết duy trì lệnh ngừng bắn trong những ngày tới. Vòng đàm phán thứ hai dự kiến diễn ra trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, ngay hôm đó, Thủ tướng Ấn Độ Modi nói giao tranh chỉ "tạm dừng".
Tuy nhiên, ông Mir tin lệnh ngừng bắn có thể kéo dài: "Cả hai bên đều đối mặt với những hạn chế và cơ hội suốt tuần qua, do đó lệnh ngừng bắn là kết quả có lợi hơn cho họ".
Ông Ladwig cũng đồng tình, nhấn mạnh lệnh ngừng bắn phản ánh lợi ích chung, ngay cả khi không giải quyết được những căng thẳng dẫn đến khủng hoảng. Còn ông Shoaib nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại, cảnh báo duy trì hòa bình được không còn phụ thuộc vào động lực an ninh ở vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý và tỉnh Balochistan của Pakistan.
"Mọi bạo lực đều có khả năng đẫm máu và lan rộng hơn”, ông Shoaib cho biết. "Cả hai bên khi tiến hành chiến tranh tiêu hao sẽ chỉ dẫn tới thiệt hại lớn cho người dân mà không đạt được lợi ích gì từ xung đột".