Tánh Linh: Đời sống văn hóa, sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên

Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Tánh Linh đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện. Qua đó, đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Tánh Linh hiện có 14 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có một truyền thống riêng nhưng tất cả đã tạo nên một ngày hội văn hóa nhiều màu sắc. Hằng năm, huyện Tánh Linh đã tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tánh Linh. Ngày hội giao lưu văn hóa đồng bào các dân tộc huyện Tánh Linh được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc... của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Tánh Linh. Đây là dịp gặp gỡ, giao lưu, học tập kinh nghiệm trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa... giữa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Qua các tiết mục múa, hát... bản sắc văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện được các nghệ nhân, diễn viên thể hiện rõ nét. Âm thanh của tiếng trống paranưng, tiếng kèn saranai cùng điệu múa Chăm uyển chuyển của đồng bào Chăm ở thị trấn Lạc Tánh vẫn vang lên trong mỗi dịp lễ, tết của dân tộc mình và trong các hội thi. Các chàng trai cô gái dân tộc K’ ho đến từ xã Măng Tố, La Ngâu vẫn giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc bằng điệu múa mạnh mẽ được trích trong lễ hội đâm trâu.

Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tánh Linh đang được gìn giữ và phát triển.

Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tánh Linh đang được gìn giữ và phát triển.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số cũng là dịp để giới thiệu đến du khách những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc huyện Tánh Linh. Qua đó tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, để từng bước hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện, cũng như giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; một số chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện Tánh Linh đã quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh luôn tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc tổ chức các ngày lễ, tết theo phong tục cổ truyền, tổ chức biểu diễn, giới thiệu các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện được đầu tư khang trang.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện được đầu tư khang trang.

Hằng năm, huyện Tánh Linh đã tích cực triển khai giải ngân nguồn kinh phí để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Năm 2022, nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động này là 480 triệu đồng, đến năm 2023 đã tăng lên 1.060 triệu đồng và năm 2024 là 920 triệu đồng. Nguồn kinh phí này đã được dùng để hỗ trợ các hoạt động cho Đội văn nghệ truyền thống các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Tiến hành hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn, nâng cao văn hóa. Đặc biệt, người dân đóng góp công sức cùng Nhà nước xây dựng, sửa chữa thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần bảo tồn, gìn giữ các thiết chế văn hóa truyền thống làng, xã.

Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vệ sinh môi trường.

Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vệ sinh môi trường.

Chăm lo y tế, giáo dục

Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, huyện còn triển khai nhiều chương trình, dự án đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay huyện Tánh Linh giải ngân số vốn hơn 9,5 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa các hạng mục tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú như: Nâng cấp, sửa chữa 30 phòng khối ký túc xá; nâng cấp, sửa chữa 8 phòng, khối bếp + nhà ăn, mương thoát nước, sân đường, bồn hoa, san nền, cổng tường rào; mua sắm trang thiết bị, bộ tài liệu, sách giáo khoa, văn phòng phẩm… Nhờ sự đầu tư này, các em học sinh trường đã có thêm điều kiện học tập, ăn ở, sinh hoạt.

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn huyện Tánh Linh ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và chính sách Bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Các dịch bệnh sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm mạnh qua từng năm. Mạng lưới y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng hoàn thiện, cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ y, bác sĩ dần được nâng lên.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trạm Y tế các xã trên địa bàn huyện Tánh Linh đã triển khai tư vấn và cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp cho 607 người cao tuổi. Chỉ trong tháng 8/2024, Trạm y tế các xã đã tổ chức khám và tư vấn cho 30 phụ nữ mang thai, khám tiền hôn nhân cho 90 người và 98 trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Trước những nguy cơ, hệ lụy của bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh), UBND huyện Tánh Linh đã phối hợp với Trung tâm - Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện và các ban, ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh. Thường xuyên cập nhật và đưa tin các thông tin về bệnh tan máu bẩm sinh, tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh trên đài phát thanh của huyện và trạm truyền thanh của xã, thị trấn... lồng ghép với các nội dung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. UBND các xã đã treo băng rôn khẩu hiệu và các thông điệp tuyên truyền tại trụ sở làm việc. Tiến hành tuyên truyền lồng ghép trong các buổi tư vấn truyền thông kế hoạch hóa gia đình về nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống và tầm quan trọng của việc tầm soát, chẩn đoán điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh với bệnh tan máu bẩm sinh. Từ đó nhận thức của người dân về bệnh tan máu bẩm sinh ngày càng được nâng lên...

NGUYỄN LUÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tanh-linh-doi-song-van-hoa-suc-khoe-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-duoc-nang-len-125465.html
Zalo