Tăng vai trò quỹ đầu tư trên thị trường vốn
Việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành quỹ không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn, mà còn góp phần xây dựng một cơ sở nhà đầu tư (NĐT) ổn định và bền vững hơn.
Đồng thời, sự mở rộng của các quỹ đầu tư đa dạng sẽ tạo động lực quan trọng giúp thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng bền vững, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Còn nhiều dư địa mở rộng
Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8% (phấn đấu 10% trong điều kiện thuận lợi), tạo đà để tăng trưởng ở mức 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025 dự kiến khoảng 174 tỷ USD, trong đó đầu tư tư nhân chiếm 96 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 80 tỷ USD của năm 2024. Để đạt mục tiêu này, cấp thiết phải huy động tối đa và hiệu quả các nguồn lực tài chính, cả trong và ngoài nước, để hỗ trợ tăng trưởng nhanh và bền vững.
Trong bối cảnh đó, thị trường vốn, đặc biệt là TTCK phải phát huy hơn nữa vai trò kênh dẫn vốn chủ lực trung và dài hạn. Thời gian qua, sự phát triển bền vững của TTCK đã tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Hiện nay, vốn hóa TTCK đạt hơn 7,4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP năm 2024.
Tổng giá trị danh mục đầu tư của NĐT nước ngoài ước đạt hơn 48 tỷ USD, chiếm 16% vốn hóa thị trường. Không chỉ mang lại nguồn vốn dài hạn, các tổ chức đầu tư nước ngoài khi tham gia TTCK với tư cách là NĐT chiến lược, còn góp phần nâng cao chuẩn mực quản trị và minh bạch tài chính cho doanh nghiệp (DN).

Cùng với sự lớn mạnh của TTCK, ngành quỹ đầu tư tại Việt Nam không ngừng phát triển, thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng và quy mô. Hiện cả nước có 43 công ty quản lý quỹ với 123 quỹ đầu tư CK, tổng tài sản quản lý đạt hơn 750.000 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014.
Trong suốt một thập niên qua, ngành quỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình trên 20% mỗi năm. Đặc biệt, sự ra đời của các quỹ mở, quỹ ETF và quỹ bất động sản, đã góp phần đa dạng hóa lựa chọn đầu tư, trong đó quỹ mở và quỹ ETF chiếm 86% tổng giá trị tài sản ròng nhờ ưu thế về thanh khoản cao, danh mục đầu tư linh hoạt và tính minh bạch.
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng, khi tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân do số lượng NĐT cá nhân vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nên thị trường dễ bị biến động theo tâm lý của NĐT.
Do vậy, việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành quỹ không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn, mà còn tăng cường sức hấp dẫn đối với các NĐT quốc tế, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược Chính phủ đã đề ra.
Giải pháp phát triển
Để đạt mục tiêu phát triển ngành quỹ, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban CK Nhà nước (UBCKNN) đang triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: tiếp tục đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các NĐT cá nhân không chuyên nghiệp về quỹ đầu tư CK.
Xây dựng đề án đào tạo NĐT nhằm phát huy mọi nguồn lực từ cơ quan quản lý đến các thành viên thị trường trong công tác tuyên truyền; phổ biến kiến thức cho các NĐT cá nhân nhỏ lẻ trên thị trường, giúp thay đổi thói quen tự đầu tư sang đầu tư thông qua quỹ đầu tư chuyên nghiệp, từ đầu cơ sang đầu tư dài hạn, ổn định.
Hiện nay, pháp luật CK đã quy định các loại hình quỹ đầu tư CK gồm: quỹ ETF, quỹ mở, quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ đầu tư bất động sản, công ty đầu tư CK. Tuy nhiên, để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, UBCKNN đang nghiên cứu để ban hành các quy định về các loại hình quỹ mới như: quỹ chỉ số, quỹ đầu tư vào công cụ thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư vào trái phiếu cơ sở hạ tầng…
Song song đó, UBCKNN đã chỉ đạo Sở Giao dịch CK Việt Nam nghiên cứu thay đổi quy chế chỉ số hiện hành, nhằm nâng cao tính linh hoạt trong việc phát triển các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cơ chế mới cho phép các thành viên thị trường có thể thiết kế và đề xuất các chỉ số mới đáp ứng nhu cầu của DN và khẩu vị rủi ro của NĐT.
UBCKNN cũng đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung hàng cho các quỹ. Cụ thể như thúc đẩy DN cổ phần hóa lên niêm yết, đưa hàng hóa mới chất lượng lên thị trường, xây dựng cơ chế phát hành trái phiếu cho các dự án PPP.
Đồng thời, UBCKNN phối hợp với các thành viên thị trường và chuyên gia để nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư tài chính bền vững như trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững và thị trường tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, cơ chế phát hành chứng chỉ lưu ký đã được ban hành, các hướng dẫn về kỹ thuật đã được hoàn thiện, giúp DN có thể phát hành chứng chỉ lưu ký (DR) trên thị trường quốc tế, thu hút thêm dòng vốn nước ngoài.
Nâng hạn mức đầu tư của quỹ đầu tư CK, UBCKNN đang dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 98 theo hướng nâng hạn mức đầu tư của quỹ vào trái phiếu DN riêng lẻ (dự kiến 15-20%).
Mặt khác, để thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trên TTCK, UBCKNN tiếp tục thực hiện việc tăng cường việc tiếp cận thông tin cho NĐT nước ngoài, thông qua việc yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Đồng thời, cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT nước ngoài nhanh chóng tham gia vào TTCK.
Một giải pháp UBCKNN đặc biệt quan tâm là lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn nâng hạng TTCK; xây dựng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho TTCK cơ sở và đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào hoạt động.
Để phát triển ngành quỹ, UBCKNN đề xuất với các cơ quan liên quan về việc phân phối chứng chỉ quỹ để đa dạng hóa các kênh phân phối, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm của các NĐT cá nhân; đồng thời có các chính sách thuế phù hợp, khuyến khích người dân tham gia đầu tư thông qua quỹ đầu tư.