Tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, thương mại - dịch vụ hiện chiếm khoảng 35% GDP của tỉnh và được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế.

Hoạt động thương mại, bán lẻ theo hướng hiện đại đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hoạt động thương mại, bán lẻ theo hướng hiện đại đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong bức tranh phát triển của Thanh Hóa, sự nổi lên mạnh mẽ của các ngành thương mại - dịch vụ đã trở thành động lực thúc đẩy những thay đổi lớn lao và sâu sắc cho nền kinh tế tỉnh. Nổi bật trong đó là sự gia tăng về số lượng và chất lượng của các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Những cơ sở này không chỉ là nơi tiêu thụ hàng hóa mà còn là điểm kết nối và thu hút dòng vốn, lao động và thậm chí cả khách du lịch. Các khu mua sắm và dịch vụ hiện đại mang đến không gian kinh doanh nhộn nhịp, góp phần tạo động lực tiêu dùng nội địa và nâng cao mức sống cho người dân. Việc xây dựng và phát triển các mô hình dịch vụ này không chỉ làm mới diện mạo của tỉnh mà còn tạo nên “cú hích” quan trọng để Thanh Hóa tiếp tục hội nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường trong nước và khu vực. Bên cạnh đó, du lịch cũng là lĩnh vực mà Thanh Hóa đã đạt được bước tiến đáng kể. Không chỉ đóng vai trò chủ lực trong phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch còn là mảng kinh tế tiềm năng với hiệu quả cao. Những điểm đến nổi bật như bãi biển Sầm Sơn, khu du lịch Pù Luông hay di sản Thành Nhà Hồ thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, đồng thời thúc đẩy phát triển các ngành phụ trợ như khách sạn, nhà hàng và dịch vụ vận chuyển, tạo đà cho kinh tế tỉnh nhà vươn xa hơn.

Không dừng lại ở đó, Thanh Hóa còn chú trọng vào phát triển dịch vụ

logistics và vận tải. Cảng biển Nghi Sơn và Cảng Hàng không Thọ Xuân là hai “điểm nhấn” quan trọng đóng vai trò đầu mối giao thương, kết nối hàng hóa và dịch vụ. Với vị trí địa lý chiến lược nằm gần các tuyến giao thông lớn, Thanh Hóa hoàn toàn có khả năng trở thành “trung tâm logistics” của khu vực Bắc Trung bộ, đóng góp tích cực vào việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đang không ngừng nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, cải tiến dịch vụ vận tải, từ đó tăng cường kết nối kinh tế giữa các vùng, các tỉnh và xa hơn là thị trường quốc tế.

Kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, Thanh Hóa còn đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, dịch vụ công nghiệp, tài chính ngân hàng... 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt khoảng 162,4 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 128,4 tỷ đồng, tăng 12,5%; doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống gần 24,5 tỷ đồng, tăng 16,3%; doanh thu dịch vụ đạt gần 9,5 tỷ đồng, tăng 20%.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 đã đặt ra mục tiêu: Đẩy mạnh khu vực dịch vụ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh với các tỉnh Bắc Trung bộ. Tỉnh sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, góp phần đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh chóng và bền vững. Mạng lưới thương mại của Thanh Hóa sẽ được phát triển nhanh chóng với sự tham gia đa dạng của các thành phần kinh tế, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường, đồng thời gắn kết chặt chẽ với các hoạt động sản xuất và đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội.

Thanh Hóa sẽ vẫn tiếp tục xây dựng mạng lưới bán lẻ hiện đại, thu hút các phân khúc có giá trị cao để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Tỉnh cũng hướng tới gắn kết phát triển thương mại với du lịch, kết hợp hoạt động mua sắm với du lịch giải trí, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển đồng đều. Đối với lĩnh vực

logistics, tỉnh định hướng phát triển vận tải, kho bãi và tận dụng lợi thế vị trí thương mại để phục vụ các nhà máy địa phương, hoạt động bán lẻ và thương mại điện tử. Đặc biệt, việc xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn là mục tiêu quan trọng để nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô dịch vụ logistics trong khu vực. Nếu tiếp tục tận dụng tốt những lợi thế sẵn có, đẩy mạnh cải cách và đầu tư, tỉnh hoàn toàn có thể vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trung tâm dịch vụ - thương mại hàng đầu khu vực.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tang-ty-trong-thuong-mai-dich-vu-trong-co-cau-nen-kinh-te-230595.htm
Zalo