Tăng tỷ trọng nguồn vốn ủy thác của địa phương sang ngân hàng CSXH

Thực hiện Kết luận số 06 – KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40- CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), những năm qua, hoạt động tín dụng CSXH ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, chính quyền luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhằm góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Do đó, hằng năm bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng CSXH để cho vay với nguồn vốn năm sau cao hơn năm trước.

Tính đến hết năm 2024, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH của tỉnh đạt 3.534 tỷ đồng, tăng 330 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 2.829 tỷ đồng, chiếm 79,79%; nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất 505,7 tỷ đồng, chiếm 14,31%; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 208,6 tỷ đồng, tăng 52,5 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 5,9% tổng nguồn vốn.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nam, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40- CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, tốc độ nguồn vốn hằng năm trên địa bàn tỉnh ta tăng khoảng 27%. Trong đó, vốn ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng CSXH tăng gấp hơn 18 lần, đặc biệt, giai đoạn từ năm 2020-2024 tăng bình quân 29,4 tỷ đồng/năm. Hằng năm, 6/6 huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Hiện nay, một số đơn vị có nguồn ngân sách ủy thác cao, điển hình như: thành phố Phủ Lý 11,3 tỷ đồng, thị xã Duy Tiên 6,8 tỷ đồng, huyện Thanh Liêm hơn 7,2 tỷ đồng.

Đại diện Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Liêm và các tổ chức chính trị - xã hội huyện nhận ủy thác giao ban quý IV năm 2024.

Đại diện Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Liêm và các tổ chức chính trị - xã hội huyện nhận ủy thác giao ban quý IV năm 2024.

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết: Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện luôn tích cực, chủ động tham mưu với UBND huyện dành một phần từ nguồn ngân sách ủy thác sang ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Năm 2024, huyện đã chuyển 2 tỷ 200 triệu đồng để bổ sung thêm nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoàn thành 220% chỉ tiêu kế hoạch. Từ nguồn vốn này Ban đại diện HĐQT huyện đã giao chỉ tiêu kế hoạch cho các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội giải ngân tại các điểm giao dịch xã. Theo kế hoạch năm 2025, huyện sẽ chuyển 3 tỷ đồng ủy thác cho ngân hàng CSXH để tăng nguồn vốn cho vay tại địa phương.

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và hơn 4 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, cơ cấu nguồn vốn tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh ta có sự dịch chuyển theo hướng giảm dần tỷ trọng nguồn vốn Trung ương, tăng dần tỷ trọng nguồn vốn ủy thác tại địa phương. Tỷ trọng nguồn vốn địa phương trong giai đoạn từ năm 2020-2024 tăng từ 2,5% lên 5,85%, tốc độ tăng bình quân 0,67%/năm. Tính đến hết ngày 31/12/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách của toàn tỉnh đạt 3.529 tỷ đồng với 46.852 hộ còn dư nợ, tăng so với đầu năm 328 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 10,24%. Nợ quá hạn là 5.142 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,15% tổng dư nợ và nợ khoanh 945 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,03% tổng dư nợ.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nam, tỷ trọng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ở tỉnh ta hiện nay còn thấp, mới chiếm 5,9% tổng nguồn vốn và thấp hơn so với mức bình quân chung toàn quốc (12,3%). Theo kế hoạch năm 2025, nguồn ngân sách địa phương ủy thác để ngân hàng CSXH cho vay trên địa bàn tỉnh là 84 tỷ đồng, chiếm 8% tổng nguồn vốn tính dụng CSXH.

Bà Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nam đề nghị: Các cấp, ngành tạo điều kiện cho ngân hàng CSXH tăng cường huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và xã hội; mở rộng cuộc vận động Ngày vì người nghèo để huy động sự đóng góp nhằm bổ sung nguồn vốn phục vụ cho vay. Từ đó, nâng cao tỷ trọng nguồn vốn, phấn đấu giai đoạn từ năm 2025-2030 mỗi năm tăng bình quân 1,5%, đến cuối năm 2030 đạt tối thiểu 15% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 về phê duyệt Chiến lược phát triển ngân hàng CSXH đến năm 2030. Việc tăng nguồn ngân sách địa phương ủy thác để cho vay là một trong những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm bảo đảm an sinh xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở từng giai đoạn.

Phùng Thống

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/tang-ty-trong-nguon-von-uy-thac-cua-dia-phuong-sang-ngan-hang-csxh-143379.html
Zalo