Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, nhiều ngân hàng lãi lớn

Đã có non nửa số ngân hàng công bố báo cáo tài chính quí 1-2025 tính đến đầu tuần này (28-4-2025). Hầu hết các ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực, nhưng cũng có một số ngân hàng chứng kiến sự sụt giảm so với cùng kỳ, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng gây áp lực lên chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Nhiều ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực - Ảnh minh họa: LÊ VŨ

Nhiều ngân hàng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực - Ảnh minh họa: LÊ VŨ

Kết quả kinh doanh vẫn tích cực

Xét theo mức tăng tuyệt đối, SeABank gây ấn tượng mạnh khi lợi nhuận trước thuế tăng vọt 2.884 tỉ đồng, từ mức 1.506 tỉ đồng đạt được trong quí 1-2024 lên 4.350 tỉ đồng trong quí 1 năm nay, tương đương tốc độ tăng 189%. Đóng góp chính vào mức tăng lợi nhuận là nhờ vào việc SeABank đã hoàn tất chuyển nhượng Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service và ghi nhận thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần lên đến 2.607 tỉ đồng.

MBBank - ngân hàng thuộc tốp đầu lợi nhuận trong những năm qua đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tuyệt đối cao thứ 2 trong số những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính. Cụ thể, trong quí đầu năm nay, MBBank đạt lợi nhuận trước thuế 8.386 tỉ đồng, tăng 2.591 tỉ đồng, tương đương tăng mạnh 45%, dù đã nhận chuyển giao Ngân hàng Đại Dương và thực hiện tái cấu trúc từ cuối năm ngoái đến nay và tăng trưởng tín dụng cũng chỉ đạt 2,7% so với đầu năm. Đáng chú ý, ba tháng đầu năm nay MBBank ghi nhận thu nhập bất thường từ thu nợ đã xử lý rủi ro lên đến 1.003 tỉ đồng, tăng 740 tỉ đồng so với cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ được xem là một trong những động lực quan trọng đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng trong ba tháng đầu năm nay. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31-3-2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỉ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2024, gấp gần 3 lần mức tăng 1,34% của cùng kỳ quí 1-2024.

Một số ngân hàng khác cũng chứng kiến kết quả kinh doanh tích cực, như HDBank báo cáo lợi nhuận quí 1-2025 lên đến 5.355 tỉ đồng, tiếp tục tăng mạnh 1.327 tỉ đồng, tương đương tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Sacombank đạt 3.674 tỉ đồng, tăng 1.020 tỉ đồng, tương đương tăng 38%. VPBank đạt 5.015 tỉ đồng, tăng 833 tỉ đồng, tương đương tăng 20%. LPBank đạt 3.175 tỉ đồng, tăng 289 tỉ đồng, tương đương tăng 10%.

Ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng chứng kiến kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực. Đơn cử như VietA Bank lãi quí 1-2025 là 353 tỉ đồng, tăng 105 tỉ đồng, tương đương tăng 43%. Saigon Bank lãi 98 tỉ đồng, tăng 30 tỉ đồng, tương đương tăng 44%. BaoViet Bank lãi 80 tỉ đồng, tăng 11 tỉ đồng, tương đương tăng 16%. Đáng chú ý NCB chuyển từ lỗ 42 tỉ đồng trong quí 1-2024 sang có lãi 151 tỉ đồng trong quí 1 năm nay.

Ngược lại, một số ngân hàng có kết quả tăng trưởng rất thấp hoặc thậm chí sụt giảm. Như BIDV dù lãi lớn 7.413 tỉ đồng trong quí 1-2025, nhưng so với cùng kỳ chỉ tăng 23 tỉ đồng, tương đương tăng 0,3%, dù tín dụng của ngân hàng này tăng tích cực 2,5% so với đầu năm. Ba ngân hàng có kết quả sụt giảm gồm Techcombank lãi 7.236 tỉ đồng, giảm 565 tỉ đồng, tương đương giảm 7,2%; ACB lãi 4.597 tỉ đồng, giảm 296 tỉ đồng, tương đương giảm 6%; PGBank lãi 96 tỉ đồng, giảm 20 tỉ đồng, tương đương giảm hơn 17%.

Yếu tố ảnh hưởng

Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ được xem là một trong những động lực quan trọng đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng trong quí 1-2025. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31-3-2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỉ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2024, gấp gần 3 lần mức tăng 1,34% của cùng kỳ quí 1-2024.

Các ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất mạnh so với đầu năm nay gồm: NCB tăng 9,6%, VietA Bank tăng 6,3%, LPBank tăng 6,2%, VPBank tăng 5,4%, Sacombank tăng 4,6%, BaoViet Bank tăng 4,1%. Bên cạnh đó, các ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng tốt như Techcombank tăng 5,1%, ACB tăng 3,1%, nhưng lợi nhuận vẫn sụt giảm, do kết quả kinh doanh ở các mảng khác bị sụt giảm.

Như Techcombank chứng kiến lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh từ 1.073 tỉ đồng xuống còn 450 tỉ đồng, tức giảm 623 tỉ đồng, tương đương giảm 58% so với cùng kỳ quí 1-2024. Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 343 tỉ đồng, tương đương giảm 16%. Dù tăng trưởng tín dụng cao nhưng thu nhập lãi thuần của Techcombank không tăng trưởng, thậm chí còn giảm 194 tỉ đồng, tương đương giảm 2%. Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động khác của ngân hàng này chuyển từ lỗ hơn 3 tỉ đồng trong quí 1 năm ngoái sang lãi lớn 394 tỉ đồng trong quí 1 năm nay.

Tương tự, thu nhập lãi thuần của ACB cũng giảm 362 tỉ đồng, tương đương giảm 5%, xuống còn 6.359 tỉ đồng, trong đó đáng chú ý là chi phí trả lãi tiền gửi tăng vọt từ 5.266 tỉ đồng lên 6.968 tỉ đồng, tăng 1.702 tỉ đồng, tương đương tăng đến 32%. Số liệu cho thấy huy động vốn từ khách hàng của ACB tăng 25.472 tỉ đồng, tương đương tăng 4% so với đầu năm, trong đó tiền gửi khách hàng tăng 2,4%, đáng chú ý là phát hành giấy tờ có giá tăng 12.401 tỉ đồng, tương đương tăng 12,2%. Ngoài ra, lãi thuần từ dịch vụ của ACB giảm 127 tỉ đồng, tương đương giảm 15% so với cùng kỳ; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 242 tỉ đồng; lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 172 tỉ đồng; lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 203 tỉ đồng; ngược lại lãi thuần từ hoạt động khác tăng 120 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB tăng 114 tỉ đồng, tương đương tăng 22%.

Cùng với quy mô huy động vốn tiếp tục tăng trưởng, mặt bằng lãi suất tiền gửi chịu áp lực đi lên đã tác động đáng kể lên chi phí trả lãi tiền gửi của các ngân hàng trong ba tháng đầu năm nay. Ngoại trừ Saigon Bank giảm 38 tỉ đồng, tương đương giảm 11%, các ngân hàng còn lại đều chứng kiến chi phí trả lãi tiền gửi tăng cao. Ngoài ACB thì BIDV chứng kiến chi trả lãi tiền gửi tăng 1.286 tỉ đồng, tương đương tăng 6,4%; VPBank tăng 806 tỉ đồng, tương đương tăng 10%; MBBank tăng 700 tỉ đồng, tương đương tăng 9,7%; Techcombank tăng 637 tỉ đồng, tương đương tăng 10,5%.

Một số ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh so với cùng kỳ như VPBank tăng 915 tỉ đồng, tương đương tăng 15,9%; MBBank tăng 279 tỉ đồng, tương đương tăng 10%; SeABank tăng 146 tỉ đồng, tương đương tăng 51%; đặc biệt PGBank tăng mạnh 104 tỉ đồng, tương đương tăng 249%... Ngược lại, bốn ngân hàng giảm chi phí dự phòng gồm LPBank giảm 16 tỉ đồng, tương đương giảm 7,6%; VietA Bank giảm 79 tỉ đồng, tương đương giảm 47,6%; Techcombank giảm 121 tỉ đồng, tương đương giảm 10%; Sacombank giảm 482 tỉ đồng, tương đương giảm 71%.

Về thu nhập ngoài lãi, thu nhập dịch vụ của hầu hết các ngân hàng tiếp tục có sự tăng trưởng, dù các hoạt động bán bảo hiểm (bancassurance) hay phân phối trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua vẫn còn bị ảnh hưởng. Có bốn ngân hàng giảm thu dịch vụ so với cùng kỳ năm ngoái, như BaoViet Bank giảm 628 triệu đồng, tương đương giảm 1,1%; Techcombank giảm 256 tỉ đồng, tương đương giảm 9%; VPBank giảm 284 tỉ đồng, tương đương giảm 9% và BIDV giảm 449 tỉ đồng, tương đương giảm 13,6%.

Triệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tang-truong-tin-dung-manh-me-nhieu-ngan-hang-lai-lon/
Zalo