Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm mạnh do Omicron
Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay và năm tới, khi nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới phải đối mặt với Omicron, qua đó có thể dẫn đến một sự suy thoái nghiêm trọng.
Ngân hàng Thế giới hiện dự kiến GDP của Trung Quốc sẽ tăng 8% vào năm 2021 so với một năm trước - thấp hơn so với các dự báo trước đó của họ. Vào tháng 10, Ngân hàng Thế giới dự kiến Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm nay. Trước đó, vào tháng 6, tỷ lệ dự báo tăng trưởng này là 8,5%.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2021_12_23_197_41282918/254d0daba0e949b710f8.jpg)
Nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải chịu tác động về mọi mặt trong năm 2022 và sẽ sụt giảm. Ảnh: EU Today
Ngân hàng Thế giới cũng cắt giảm dự báo năm 2022 từ 5,4% xuống 5,1%, đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai của Trung Quốc kể từ năm 1990 - khi nền kinh tế nước này tăng 3,9% do các lệnh trừng phạt quốc tế. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,2% vào năm 2020.
"Rủi ro suy giảm đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc đã tăng lên", Ngân hàng Thế giới cho biết hôm thứ Tư trong báo cáo mới nhất về nền kinh tế Trung Quốc. Các đợt bùng phát Covid đang trở lại Trung Quốc, bao gồm cả biến thể Omicron, có thể dẫn đến các hạn chế "trên diện rộng và lâu dài hơn" và gây ra những gián đoạn hơn nữa cho hoạt động kinh tế.
Ngoài ra, "một sự suy thoái nghiêm trọng và kéo dài" trong lĩnh vực bất động sản có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, WB nói thêm.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào năm 2020, nhưng năm nay nước này đã phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa, bao gồm các hạn chế liên quan đến đại dịch, cuộc khủng hoảng năng lượng và một chiến dịch kiểm soát chưa từng có đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Cuộc kiểm soát doanh nghiệp kéo dài một năm qua đối với các lĩnh vực công nghệ, giáo dục và giải trí đã ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu. Nó cũng gây ra tình trạng sa thải nhân viên rất lớn ở nhiều công ty, gây áp lực cho lĩnh vực việc làm ngay cả khi ngành này đang cố gắng phục hồi sau đại dịch.
Mặc dù các nhà chức trách Trung Quốc nên nới lỏng chính sách tài khóa và cung cấp thanh khoản, Ngân hàng Thế giới lập luận rằng sách truyền thống thúc đẩy tăng trưởng thông qua cơ sở hạ tầng và đầu tư bất động sản cũng sẽ có tác dụng với nước này.
Để tái cân bằng, ngân hàng đề nghị Trung Quốc tiến hành cải cách tài khóa để tạo ra một hệ thống thuế tiến bộ hơn và tăng cường mạng lưới an toàn xã hội, khuyến khích sử dụng rộng rãi hơn việc định giá carbon và thúc đẩy sự phát triển của các công cụ tài chính xanh.
Huy Hoàng (theo CNN)