Tăng trưởng kinh tế 2025 có ẩn số nằm ở xuất khẩu

Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng hai số trong điều kiện thuận lợi hơn. Theo PGS -TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nếu không có yếu tố đột biến, thì GDP năm 2025 có thể tiệm cận 8%.

PGS -TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

PGS -TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Như nhiều chuyên gia kinh tế khác, chắc ông cũng rất vui mừng khi cả nước bắt tay thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội năm 2025 vì hiện có rất nhiều thuận lợi?

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đã đi vào “quỹ đạo” quý sau tăng cao hơn quý trước, tăng trưởng lần lượt là 5,98% - 7,25% - 7,43% và 7,55% để cả năm đạt 7,09%, cao hơn đáng kể mức 5,07% của năm 2023 cũng như mức trung bình 5,22% của giai đoạn 2020-2024. Mức tăng trưởng 7,09% tương đương tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 5 năm trước đại dịch Covid-19 (2015-2019).

Đi sâu phân tích các số liệu thống kê năm 2024, có thể thấy, đầu tư và tiêu dùng đã có sự phục hồi. Nếu như trong giai đoạn 2022-2023, tốc độ tăng tích lũy tài sản thấp hơn tăng trưởng GDP, thì đến năm 2024, tăng tích lũy tài sản đã cao hơn một chút. Tốc độ tăng tiêu dùng nội địa cũng đã phục hồi trong năm 2024. Nói cách khác, doanh nghiệp và người dân lạc quan hơn khi bắt tay vào thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế, xã hội năm 2025.

Theo ông, năm 2025, nền kinh tế sẽ đương đầu với những khó khăn, trở ngại gì?

Ba chân kiềng của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, nên hoạt động này chắc chắn được đẩy mạnh, quyết liệt ngay từ đầu năm.

Tiêu dùng nội địa bắt đầu có sự phục hồi, gần về bằng mức trước đại dịch Covid-19. Năm nay, mục tiêu đặt ra là đón khoảng 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 2,5 triệu lượt khách so với năm 2024. Khả năng đạt được mục tiêu thu hút 20 triệu lượt du khách quốc tế năm nay rất cao, vì Chính phủ không chỉ tiếp tục thực hiện chính sách thị thực thuận lợi, mà còn ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP miễn thị thực theo Chương trình Kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sỹ. Khách du lịch tăng, nhu cầu chi tiêu, sử dụng dịch vụ tăng là đòn bẩy góp phần tăng trưởng thị trường nội địa.

Như vậy, ẩn số có lẽ nằm ở xuất khẩu. Ông có nghĩ thế không?

Ẩn số nằm ở chân kiềng thứ 3 là xuất khẩu hàng hóa.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4%, trong đó xuất khẩu tăng 14,3% so với năm 2023. Đây là con số rất ấn tượng, nhưng lại là áp lực rất lớn cho năm 2025. Vì thế, năm nay, xuất khẩu có thể tăng trưởng chậm lại, thấp hơn so với năm trước. Lý do là tốc độ tăng trưởng năm 2024 cao hơn đáng kể so với mức trung bình của 3 năm, 5 năm và 10 năm gần nhất, do vậy sẽ có xu hướng quay trở lại mức trung bình trong trung - dài hạn.

Mặc dù kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2025 (khoảng 3,2% - như năm 2024), nhưng nguy suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu vẫn chưa bị loại trừ do các ngân hàng trung ương lớn có thể vẫn giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài. Lạm phát tháng 12/2024 của Mỹ không giảm như kỳ vọng, nên chắc chắn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rất cẩn trọng với động thái đẩy mạnh lộ trình hạ lãi suất. Điều này khiến nhu cầu nhập khẩu cho cả đầu tư lẫn tiêu dùng của nền kinh tế số 1 thế giới khó tăng trưởng đột phá.

Ngày 20/1/2025, chính quyền Mỹ sẽ chuyển giao quyền lực. Chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng là một rủi ro đáng kể, có thể khiến tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại.

Một áp lực nữa đối với nền kinh tế nói chung và kiểm soát lạm phát nói riêng trong năm nay là tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát, đặc biệt là giá điện, nước, học phí, viện phí, thưa ông?

Mặc dù năm 2024, giá bán lẻ điện đã 2 lần tăng, nhưng trước áp lực giá thành sản xuất tăng nên khả năng giá điện sẽ còn tăng nhiều lần nữa.

Trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ phải tuân theo cơ chế thị trường. Kể cả những loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như điện, nước, học phí, viện phí… cũng phải tuân theo cơ chế thị trường, có nghĩa là có tăng, có giảm.

Với diễn biến như hiện nay và dự báo trong thời gian tới, theo ông, năm nay tăng trưởng GDP và lạm phát sẽ ra sao?

Trong điều kiện bình thường, thị trường chứng khoán, trái phiếu tăng trưởng cao hơn năm 2024, tín dụng tăng 15 -16%, thì năm nay, khả năng GDP tăng trưởng 6,8-7,3%; lạm phát tăng 3,1-3,4%. Khi kinh tế thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng trưởng tốt hơn năm 2024, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào ổn định; các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng được sức cạnh tranh trong bối cảnh sản phẩm tương đồng của các đối thủ bị áp thuế cao hơn, thì GDP của Việt Nam có khả năng tăng 7,3-7,8%; lạm phát tăng 3,5-3,8%.

Với kịch bản GDP tăng trưởng từ 8% trở lên, thì cần thiết phải đẩy mạnh đầu tư công, hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tín dụng phải tăng trưởng 17-18%. Với kịch bản này, sẽ có một lượng vốn không nhỏ đầu tư vào nền kinh tế, dẫn đến sức ép lạm phát rất lớn, nhưng khả năng, lạm phát cũng chỉ nằm trong khoảng 3,8 - 4,1%.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-truong-kinh-te-2025-co-an-so-nam-o-xuat-khau-d241403.html
Zalo