Lãng phí từ dự án nuôi bò ở Bắc Kạn - Bài cuối: Vì sao dự án trăm tỷ thất bại?

Sau 5 năm được triển khai, dự án nuôi bò Mông tại huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) chính thức chấm dứt. Không mang lại lợi ích gì cho địa phương, thậm chí đến nay, chính quyền và người dân địa phương vẫn đang đau đầu để giải quyết 'tàn dư' của dự án.

 Máy chế biến thức ăn chưa kịp sử dụng thì dự án nuôi bò đã phá sản

Máy chế biến thức ăn chưa kịp sử dụng thì dự án nuôi bò đã phá sản

Dự án có chồng chéo?

Sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn có Thông báo về chấm dứt hoạt động của Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm bảo tồn gene và phát triển giống bò Mông (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam), PV Báo Phụ nữ Việt Nam đã trở lại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới - nơi dự án được triển khai. Theo quan sát, trụ sở công ty cửa đóng then cài.

Các phòng chức năng đều đóng cửa im lìm. Một người đàn ông trung tuổi có mặt tại đây cho biết, ông là người Thái Nguyên, được công ty thuê để trông coi trụ sở. Người này khá cởi mở khi mời chúng tôi vào trong để tham quan.

Theo quan sát, khu vực chuồng trại có 4 dãy, 1 dãy để thức ăn, 3 dãy nuôi bò nhưng thời điểm chúng tôi có mặt chỉ còn lại 6 con bò gầy rộc. Bên cạnh chuồng trại, các máy móc phục vụ cho chăn nuôi như máy phay thức ăn, máy trộn, máy nghiền… vẫn "đắp chiếu" ở sân. Thậm chí, có những máy cỡ lớn chưa kịp đưa vào sử dụng thì dự án đã chấm dứt.

Người bảo vệ này cũng không biết số bò còn lại là của công ty hay của người dân mượn chuồng để nuôi nhốt. Trong khi đó, bà Triệu Thị L. cho hay: "Tôi là người địa phương, được công ty thuê chăn nuôi bò từ mấy năm nay. Trước đây, có mấy chục con bò nhưng chết dần, giờ chỉ còn lại 6 con. Bò ở đây chỉ được ăn rơm, uống nước lã, thiếu chất dinh dưỡng nên rất gầy".

Dự án đổ bể, nền chuồng nuôi bò cũng được đào lên để bán đất

Dự án đổ bể, nền chuồng nuôi bò cũng được đào lên để bán đất

Ông Lưu Văn Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Chu, cho biết: Ban đầu dự án nuôi bò Mông do ông Nguyễn Văn Tiếp, một doanh nhân chuyên về chăn nuôi gia súc ở Thái Nguyên, khởi xướng.

Ông Tiếp có ý tưởng thành lập công ty nuôi bò Mông để cung cấp thịt bò và giống bò địa phương. Dự án bao gồm việc thành lập các hợp tác xã (HTX) vệ tinh, trong đó HTX sẽ tự bỏ vốn để nuôi bò, còn công ty sẽ hỗ trợ cho vay 50 con bò giống. Sau 3-5 năm, các HTX sẽ bán lại bò thịt cho công ty phục vụ giết mổ, xuất khẩu.

Ông Lưu Văn Duyên nói rằng, Quảng Chu là xã miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn nên khi ông Tiếp đưa ra ý tưởng rất bài bải về dự án chăn nuôi bò Mông, ông Duyên và người dân đều vui mừng và tin tưởng dự án sẽ thành công.

Vì niềm tin đó nên người dân đã thành lập 10 HTX. Tuy nhiên, khi dự án mới manh nha đã xuất hiện thêm một dự án tương tự do Bộ Khoa học và Công nghệ khởi xướng, với mục tiêu bảo tồn nguồn gene bò bản địa. Hai dự án này đều liên quan đến bò Mông.

Sau đó, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt "Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm bảo tồn gene và phát triển giống bò Mông". Tuy nhiên, ngay sau khi tỉnh Bắc Kạn phê duyệt dự án, ông Tiếp đã rút lui, không tham gia nữa.

"Nếu chỉ là Trung tâm bảo tồn gene, đâu cần phải nuôi cả nghìn con bò. Do dự án kế thừa ý tưởng của ông Tiếp trước đây nên mới mở rộng chăn nuôi bò như vậy. Tiếc rằng, người khởi xướng dự án lại rút lui và đó là nguyên nhân dẫn đến dự án này không thành công", ông Duyên nói.

Chính quyền và người dân địa phương đều thất vọng

Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm bảo tồn gene và phát triển giống bò Mông tại huyện Chợ Mới được thực hiện trên cơ sở hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bắc Kạn và nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam.

Những con bò còn sót lại tại dự án nuôi bò Mông ở huyện Chợ Mới (Bắc Kạn)

Những con bò còn sót lại tại dự án nuôi bò Mông ở huyện Chợ Mới (Bắc Kạn)

Mục tiêu chính của Dự án là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn tự có của nhà đầu tư để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học-công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và cấp kinh phí thực hiện.

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giống bò Mông Việt Nam thực hiện dự án tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt cho triển khai thực hiện Dự án "Ứng dụng công nghệ phát triển bò thịt chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở miền núi phía Bắc" tại Quyết định số 1754/QĐ-BKHCN ngày 25/6/2018.

Quy mô dự án đầu tư là bảo tồn gene và lai tạo phát triển giống bò Mông với quy mô 300 con bò cái sinh sản, 30 con bò đực thuần; nuôi vỗ béo 1.000 con bò thương phẩm/tháng; chế biến thức ăn TMR (kết hợp giữa thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, các phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp, các chất bổ sung khoáng, vitamin và các chất phụ gia với một tỷ lệ nhất định, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bò) 50 tấn/ngày;

giết mổ tập trung 100 con/ngày đêm; liên kết phát triển từ 800 đến 1.000 HTX, tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thương phẩm chất lượng cao ở tỉnh Bắc Kạn và các địa phương khác thuộc miền núi phía Bắc.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 136 tỷ đồng, trong đó có vốn ứng dụng khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ và vốn khác. Tiến độ thực hiện Dự án dự kiến đến quý IV/2020 sẽ hoàn thành.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam chủ trì dự án, bao gồm 3 dự án sản xuất thử nghiệm và 1 nhiệm vụ quản lý chung.

Từ năm năm 2020 đến 2022, khu vực chăn nuôi có khoảng 75 con bò. Đến ngày 27/4/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành kiểm tra, số lượng đếm được chỉ còn 25 con (trong đó có 5 con bê), thể trạng bò gầy yếu.

Chiếc máy chế biến thức ăn cho bò để chỏng chơ giữa trời

Chiếc máy chế biến thức ăn cho bò để chỏng chơ giữa trời

Điều ngạc nhiên là cũng tại thời điểm kiểm tra, khu nhà xây dựng với mục đích chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi đã được công ty chuyển sang sản xuất nến để xuất khẩu. Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn quyết định phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bò Mông Việt Nam với số tiền 85 triệu đồng.

Còn thời điểm cuối năm 2024 khi phóng viên có mặt tại dự án này, khu nhà trên đang được trưng dụng để sản xuất đồ nội thất.

Phía UBND tỉnh Bắc Kạn cũng cho biết, sau hơn 5 năm triển khai, Dự án không đạt kết quả như mục tiêu đặt hàng. Sau khi được tỉnh Bắc Kạn giao đất, công ty đã xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc, nhà xưởng, khu chuồng nuôi nhốt bò, nhà để thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi, hố ủ thức ăn chăn nuôi; nhà bếp, bể chứa nước.

Các hạng mục như nuôi vỗ béo, chế biến thức ăn, giết mổ tập trung, liên kết phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thương phẩm chất lượng cao, Công ty chưa triển khai thực hiện. Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã nhiều lần làm việc và đôn đốc nhưng công ty không thực hiện dự án như cam kết.

Trước sự chậm trễ trên, ngày 18/5/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông báo số 477/VPCTTĐ-THKH về việc tạm dừng thực hiện dự án. Ngày 27/11/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn cũng đã có Thông báo chấm dứt hoạt động của dự án.

Lý do chấm dứt hoạt động: Nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam) tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020.

Tỉnh Bắc Kạn cũng thu hồi Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 589/QĐ-UBND ngày 28/4/2017 và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 1342/QĐ-UBND ngày 5/9/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn và yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư và thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ông Lục Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Quảng Chu, nói rằng, ông và người dân địa phương rất buồn khi nhắc đến Dự án nuôi bò Mông. Dự án đổ bể, giấc mộng làm giàu của người dân vỡ vụn, thậm chí nhiều hộ còn phải gánh nợ.

Hiện tại, trụ sở dự án vẫn còn đó, tọa lạc ngay bên Quốc lộ 3. Chính quyền xã vẫn chưa biết xử lý ra sao với "tàn dư" của dự án này khi chưa có quyết định từ cơ quan cấp trên.

Tiến Dũng - Văn Duẩn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lang-phi-tu-du-an-nuoi-bo-o-bac-kan-bai-cuoi-vi-sao-du-an-tram-ty-that-bai-202501201736065.htm
Zalo