Tăng trưởng kinh tế 2024: Ấn tượng nhưng còn nhiều vấn đề nội tại

Kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng trưởng ấn tượng với GDP đạt 7,09%, nhưng đằng sau là những thách thức nội tại cần được cải thiện.

Kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng trưởng vượt dự báo, với GDP ước tính tăng 7,09% so với năm trước.

Con số này không chỉ vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5-7%) mà còn giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Đây là một thành tích ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn.

Lạm phát thấp hơn mức mục tiêu đề ra. GDP bình quân đầu người tăng lên 4.700 USD, tăng 8,7% so với năm trước. Điều này không chỉ phản ánh sự phục hồi mà còn cho thấy nền kinh tế đang hướng đến tăng trưởng chất lượng.

Bên cạnh đó là năng suất lao động cũng tăng 5,9% do trình độ của người lao động được cải thiện.

Động lực tăng trưởng từ FDI và xuất khẩu

Năm 2024 chứng kiến sự đột phá trong hoạt động xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước, trong đó có 37 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, 8 mặt hàng trên 10 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,8 tỷ USD, ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu, nhờ đó góp phần ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối của nền kinh tế.

Các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, máy móc, gỗ, và nông sản tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Khu vực FDI đóng góp đến 72% kim ngạch xuất khẩu, khẳng định vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Xuất khẩu đang là điểm sáng nổi bật và là động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 nhờ sự phục hồi của nhu cầu thị trường quốc tế, cùng với vai trò khó thay thế của khu vực FDI.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI được giải ngân cao kỷ lục, ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó. Đáng chú ý, dòng vốn chủ yếu đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 81,4%, theo sau là hoạt động kinh doanh bất động sản hấp thụ 1,84 tỷ USD chiếm 7,2%.

Sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo, đã có một năm thành công với chỉ số sản xuất (IIP) tăng 8,4%. Ngành này không chỉ là động lực tăng trưởng GDP mà còn góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Thách thức từ doanh nghiệp trong nước và thị trường nội địa

Tuy nhiên, đằng sau những con số tích cực là những khó khăn lớn từ nội tại nền kinh tế. Năm 2024, hơn 100.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

Theo khảo sát gần 30.600 doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê vào cuối năm 2024, phần lớn các doanh nghiệp cho biết đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra.

Về đầu ra, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm nay.

Riêng trong ngành xây dựng, 44,7% doanh nghiệp cho rằng đang gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới.

Trong khi đó, gần 26% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn lớn nhất từ giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ khác tăng cao.

Tiêu dùng nội địa cũng chưa thực sự phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9%, chỉ cao hơn hai năm Covid-19 (2020 và 2021). Điều này phản ánh cầu tiêu dùng yếu, kéo theo tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 13,8%, thấp hơn mục tiêu 15%.

Dù lãi suất cho vay giảm, bình quân ở mức 6,7 – 9%, với các lĩnh vực ưu tiên chỉ khoảng 3,8%, cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn hạn chế.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 661,3 nghìn tỷ đồng, bằng 84,6% kế hoạch năm, tăng 3,3% so với năm trước.

Tiến độ chậm này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng ngắn hạn mà còn làm giảm tác động lan tỏa tới khu vực tư nhân.

Bởi dự án đầu tư công thường có vai trò dẫn dắt, thu hút đầu tư tư nhân thông qua việc tạo ra các cơ hội kinh doanh và việc làm mới.

Thị trường bất động sản tiếp tục là điểm nóng. Giá nhà đất tăng cao vượt xa khả năng chi trả của người dân.

Bên cạnh nguồn cung nhà hạn chế, người mua chủ yếu lại để đầu tư, đầu cơ, khiến giá nhà tăng mạnh và rơi vào thực trạng ‘khó kiểm soát’, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân Việt Nam phải mất khoảng 23,5 năm mới mua được một căn nhà giá tầm trung. Con số này cao gần gấp đôi so với mức bình quân của thế giới là 14,5 năm.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng 20,6% về vốn hóa so với cuối năm 2023. Chỉ số VN-Index tăng 12,1% trong năm qua. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu ở quý I và gần như đi ngang ở 3 quý tiếp theo.

Tuy nhiên, khối ngoại bán ròng hơn 93.000 tỷ đồng, gấp gần bốn lần năm trước. Đây là mức bán ròng mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt, theo dữ liệu từ Fiintrade. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam đang giảm sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Nhìn chung, kinh tế Việt Nam năm 2024 gặt hái nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt là nhờ xuất khẩu và FDI. Tuy nhiên, để đảm bảo sự bền vững, Việt Nam cần tập trung vào cải cách nội tại, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tang-truong-kinh-te-2024-an-tuong-nhung-con-nhieu-van-de-noi-tai-d38618.html
Zalo