Tăng trưởng vượt mục tiêu, tạo tiền đề tăng tốc năm 2025

Sau một năm nỗ lực, quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức từ cả trong và ngoài nước, kết quả về tình hình kinh tế xã hội năm 2024 vừa được công bố có thể khiến chúng ta 'thở phào' với nhiều điểm sáng ấn tượng, nhiều kỷ lục mới đã được lập nên.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Phương Anh.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Phương Anh.

Kinh tế tăng trưởng khởi sắc qua từng quý

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm 2024 đạt 7,09%, vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Trong khi tăng trưởng ở mức cao thì lạm phát năm 2024 được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

Quy mô GDP đạt hơn 476 tỷ USD

Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.

“Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới với mức dự báo tăng trưởng cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và được nâng dự báo vào những tháng cuối năm, khi bối cảnh kinh tế dần ổn định hơn”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho hay.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%.

Tính cả năm 2024, GDP ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực 3,27%. Trong đó, sản lượng nhiều nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp phục hồi tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 8,32% so với năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022 trong giai đoạn 2019-2024.

Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023.

Nhiều con số kỷ lục

Đặc biệt, bức tranh kinh tế năm 2024 còn có những điểm sáng là các con số kỷ lục. Đó là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo Tổng cục Thống kê, FDI tiếp tục gia tăng là điểm sáng, hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, là động lực góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2024. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI năm 2024 cao hơn rất nhiều mức tăng 5,4% năm 2023. Đầu tư có xu hướng tăng lên nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi và các nhà đầu tư lạc quan hơn trong đầu tư vào các dự án, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Đối với xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2023. Đây chính là điểm nhấn quan trọng trong xu hướng tăng trưởng của năm, với sự hỗ trợ lớn từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN phục hồi.

Những con số này góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024 phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2024 tăng 8,4%.

Để đạt được những kết quả trên, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, kinh tế năm 2024 được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi. Đó là sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, áp dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài. Các chính sách kích cầu tiêu dùng, giảm, gia hạn thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông và logistics đã có nhiều bước tiến lớn tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và kết nối các vùng miền. Việc ký kết thành công các hiệp định thương mại (FTA) từ những năm trước là tiền đề, cơ hội giúp xuất khẩu của Việt Nam vượt mục tiêu đặt ra, khẳng định vị thế của nước ta như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và sản xuất….

Ngoài ra, không thể không kể đến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch kể từ sau dịch Covid-19; việc đón đầu và đẩy mạnh ứng dụng kinh tế số và chuyển đổi số mạnh tạo ra những bước đột phá trong nhiều lĩnh vực như tài chính, thương mại điện tử, dịch vụ công nghệ thông tin, quản lý nhà nước.

“Kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước”, bà Nguyễn Thị Hương nhận định.

BÀ PHÍ THỊ HƯƠNG NGA - VỤ TRƯỞNG VỤ THỐNG KÊ CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG (TỔNG CỤC THỐNG KÊ): Doanh nghiệp quay lại hoạt động cao nhất từ trước đến nay

Điểm sáng của tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2024 là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã có những tác động tích cực đến tâm lý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, được phản ánh qua số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2024 vẫn đạt mức cao, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, vượt mức 70 nghìn doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong một năm. Số vốn đăng ký bổ sung của doanh nghiệp đang hoạt động vào nền kinh tế trong năm 2024 đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm đáng lưu tâm. Đó là, doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi nguồn lực của người dân, doanh nghiệp có dấu hiệu suy giảm sau nhiều biến động tiêu cực. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 giảm 1,4% so với năm 2023. Trong 2 tháng cuối năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cũng đã vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp, phần nào cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu.

BÀ NGUYỄN THU OANH, VỤ TRƯỞNG VỤ THỐNG KÊ GIÁ (TỔNG CỤC THỐNG KÊ): Các yếu tố gây áp lực lạm phát cho năm 2025

Tổng cục Thống kê đánh giá áp lực lạm phát năm 2025 có thể đến từ một số yếu tố. Đó là xung đột quân sự ở một số quốc gia leo thang căng thẳng, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Cùng với đó, hiện tượng thời tiết cực đoan tác động nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội toàn cầu. Điều này có thể tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng, làm gia tăng chi phí vận tải.

Đặc biệt, các chính sách thuế trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng rất khắc nghiệt, dẫn đến các phản ứng trả đũa từ các quốc gia. Bảo hộ thương mại và rào cản thương mại gia tăng sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này có thể gây ra một đợt lạm phát mới, đồng thời làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ở trong nước, chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu có thể tăng lên theo giá thế giới và chịu tác động từ biến động tỷ giá, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản phẩm, tạo áp lực lên lạm phát.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ do Nhà nước quản lý như giá điện, học phí, giá dịch vụ y tế sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2025.

Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-truong-vuot-muc-tieu-tao-tien-de-tang-toc-nam-2025-168163-168163.html
Zalo