Tăng trưởng bán lẻ, kích cầu nội địa trước nguy cơ khó khăn xuất khẩu

Bộ Công thương yêu cầu đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa trong năm 2025. Chỉ thị này được ban hành trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, có nguy cơ bị áp thuế cao tới 46% ở Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ban hành Chỉ thị số 08 yêu cầu các đơn vị thuộc ngành này triển khai đồng bộ giải pháp để kích cầu tiêu dùng nội địa và phát triển thị trường trong nước năm 2025.

Bộ Công thương giao chỉ tiêu cụ thể cho các sở công thương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp lớn, với mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm nay cần phải tăng khoảng 12%, theo tinh thần Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ.

Trong quý 1-2025, dù nền kinh tế ghi nhận một số chỉ số tích cực như vốn đầu tư công tăng 21,7%, FDI tăng 35,5%, xuất khẩu tăng 32,6% và tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tăng 9,4%, nhưng mức tăng này vẫn được đánh giá là chưa đạt kỳ vọng so với mục tiêu GDP cả năm trên 8% và mục tiêu tăng trưởng tiêu dùng nội địa ở mức 12%.

Trong khi tình hình thị trường tiếp tục chịu tác động mạnh từ chính sách bảo hộ gia tăng của các thị trường lớn, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ chịu mức thuế lên tới 46%, gây sức ép ngược trở lại với tiêu thụ trong nước.

Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị thuộc bộ và các địa phương tiếp tục triển khai chương trình kích cầu nội địa như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đẩy mạnh xúc tiến thương mại truyền thống và thương mại điện tử, phát triển hạ tầng thương mại như trung tâm logistics, hệ thống outlet, mở rộng mạng lưới phân phối đến khu vực nông thôn, miền núi.

 Dự báo xuất khẩu khó khăn có thể tạo áp lực ngược lên thị trường nội địa

Dự báo xuất khẩu khó khăn có thể tạo áp lực ngược lên thị trường nội địa

Bộ Công thương cũng giao Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị đánh giá thị trường, tháo gỡ vướng mắc tiêu thụ hàng hóa, đảm bảo cung ứng xăng dầu ổn định phục vụ tiêu dùng và sản xuất.

Cục Xúc tiến thương mại có trách nhiệm tổ chức các chương trình xúc tiến quy mô lớn, liên kết vùng và hỗ trợ tiêu thụ hàng xuất khẩu khi thị trường gặp khó khăn.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được giao nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để phân phối sản phẩm; giám sát chặt các hoạt động khuyến mại, xử lý nghiêm hành vi gian lận, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường nước ngoài tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với rào cản kỹ thuật và chính sách bảo hộ thương mại từ nước ngoài, tận dụng các FTA và cơ chế hợp tác tiểu vùng để tăng năng lực cạnh tranh.

Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp phân phối, sản xuất hàng hóa được yêu cầu tăng đầu tư hạ tầng, tham gia chương trình kích cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng miền, hàng hóa an toàn, mở rộng mạng lưới phân phối ra vùng sâu, vùng xa.

Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu như Petrolimex phải thực hiện nghiêm việc dự trữ, đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu có thể tăng cao.

Các hiệp hội ngành hàng cũng được giao trách nhiệm chỉ đạo doanh nghiệp thành viên đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối trong nước và triển khai chương trình khuyến mại hiệu quả, hỗ trợ tiêu dùng nội địa.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tang-truong-ban-le-kich-cau-noi-dia-truoc-nguy-co-kho-khan-xuat-khau-post789287.html
Zalo