Tăng tốc triển khai dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội
Việc thành lập Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế công nghệ cao của Thủ đô. Với diện tích gần 200 ha và tổng vốn đầu tư ước tính 1 tỷ USD, khi hoàn thành dự án trọng điểm này sẽ trở thành trung tâm công nghệ sinh học tầm cỡ khu vực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô.

Phối cảnh dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội.
Khu Công nghệ cao sinh học được quy hoạch tại các phường Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Với diện tích quy hoạch 199,03 ha, mục tiêu quy hoạch hướng tới hình thành trung tâm công nghệ sinh học tầm cỡ khu vực, hiện thực hóa định hướng phát triển công nghệ cao.
Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2007, nhưng quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại do thay đổi địa giới hành chính năm 2008 và sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, và Luật Quy hoạch đô thị. Những khó khăn này, cùng với việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng và phê duyệt đề án, khiến dự án bị đình trệ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố trong việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để đẩy nhanh tiến độ, sau gần 20 năm bị đình trệ, dự án đang bước vào giai đoạn triển khai mạnh mẽ. Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá: “Dự án là bước đi cụ thể thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, khẳng định vai trò của Hà Nội trong đột phá khoa học- công nghệ và chuyển đổi số quốc gia”.
Ngày 29/9/2024, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký Quyết định số 1054/QĐ-TTg thành lập Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược phát triển kinh tế công nghệ cao của Thủ đô. Dự án được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới cho ngành công nghệ sinh học Việt Nam. Trên phạm vi toàn cầu, công nghệ sinh học được xác định là lĩnh vực mũi nhọn với các ứng dụng đột phá trong nông nghiệp, y tế, và môi trường… Phát biểu tại diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Tiến sĩ Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: “Công nghệ sinh học đã giúp nông nghiệp toàn cầu đạt năng suất vượt trội, giảm thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện môi trường. Việt Nam cần các dự án như Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội để bắt kịp xu thế”.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam còn chậm áp dụng công nghệ sinh học, cần nâng cao nhận thức và đầu tư mạnh mẽ hơn. Những đại dự án như Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội được kỳ vọng thu hút các tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu thế giới, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, và chuyển giao công nghệ. Với chính sách ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 10/2024/ NĐ-CP của Chính phủ, dự án sẽ tạo hàng chục nghìn việc làm chất lượng cao, thu hút nhân lực công nghệ và thúc đẩy công nghiệp phụ trợ. Dự án này có thể tạo ra “cú huých” đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ sinh học với điều kiện có chính sách tốt trong thu hút nguồn lực, kết hợp tốt giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.
Tại kỳ họp thứ 22, ngày 29/4/2025, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2.000. Mục tiêu của thành phố đặt ra, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng trước tháng 8/2025, khởi công đúng vào ngày 2/9/2025. Hiện nay, quận Bắc Từ Liêm đã giải phóng mặt bằng được khoảng 63 ha. Kế hoạch thu hồi đất đang được triển khai khẩn trương.
Theo quy hoạch, hạ tầng của khu công nghệ cao được thiết kế theo tiêu chuẩn đô thị thông minh. Quy mô công trình cao từ 1-8 tầng, một số điểm nhấn cao tới 25 tầng, mật độ xây dựng tối đa 30%. Dự án được chia thành các phân khu chức năng nghiên cứu và ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, ươm tạo công nghệ và khu lưu trú tạm thời cho khoảng 29.390 người làm việc tại đây.
Trước khi được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, Ban Đô thị đã tiến hành thẩm tra về quy hoạch Khu công nghệ cao, qua đó đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố một số vấn đề cần quan tâm, hoàn thiện như: nghiên cứu tác động môi trường, kế hoạch tài chính, giải pháp kết nối hạ tầng, sự phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Một số điều kiện thúc đẩy tính khả thi cho dự án đang được triển khai khẩn trương. Ủy ban nhân dân thành phố đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế quản lý tinh gọn và chính sách hỗ trợ đầu tư. Cùng với đó, về hạ tầng, tuyến đường Văn Tiến Dũng kết nối Quốc lộ 32 đã hoàn thiện, tăng tính kết nối cho Khu công nghệ cao.
Dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội không chỉ là biểu tượng đổi mới sáng tạo mà còn là động lực để Hà Nội vươn lên thành trung tâm kinh tế-công nghệ hàng đầu. Khi đi vào hoạt động, khu công nghệ cao được kỳ vọng sẽ đủ năng lực để cạnh tranh với các trung tâm công nghệ sinh học trong khu vực; góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân.