Tăng tốc trên công trường đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên - Bài 2: Tinh thần '6 hơn' và 'cẩm nang' từ mạch 3
Với yêu cầu rút ngắn tiến độ và bảo đảm chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ, công trình đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên cần đạt được '6 hơn': Nhanh hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn, chất lượng hơn, thẩm mỹ hơn và tiết kiệm hơn. Tinh thần '6 hơn' đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ban Quản lý dự án Điện 1 và các nhà thầu cụ thể hóa bằng những hành động quyết liệt.
Mỗi điểm cột là một bài toán kỹ thuật
Chúng tôi đến vị trí cột VT369 tại xã Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ vào thời điểm nắng nóng nhất trong ngày. Vị trí cột VT369 vượt sông Lô, Phú Thọ-đây là cột ống (cột DO) với chiều cao lớn nhất dự án là 130m, trọng lượng 351,6 tấn. Các công nhân đang cặm cụi lắp ghép từng kết cấu thép, sau đó dùng cẩu kéo lên cao. Trên thân cột, một tốp công nhân neo mình vào cột sắt đón lấy các cấu kiện, bắt đầu lắp ghép, vặn ốc. Mọi thao tác được tiến hành cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác. Cứ thế, hàng trăm chi tiết, thanh thép đủ loại được gắn kết vào thanh cột cái vươn mình cao vút.

Cột VT369 tại tỉnh Phú Thọ là cột ống (cột DO) với chiều cao lớn nhất dự án là 130m. Ảnh: NGỌC LINH
Nheo mắt chỉ lên cao, anh Hồ Văn Thắng, Đội trưởng đội thi công tại VT369 nói, nắng nóng như thế này, làm việc ở dưới đất vất vả một thì trên cao nhọc nhằn gấp nhiều lần, bởi ngoài việc phơi mình giữa trời nắng, họ còn phải chịu hơi nóng bỏng rát từ những thanh thép như bị thiêu đốt. Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Ở vị trí này, do đường kính cột ống DO quá to, nên công nhân phải dùng cẩu để lên xuống, việc thi công trên cột cũng chật vật vì không có nhiều điểm bám. Để hỗ trợ thi công lắp dựng cột, nhà thầu đã phải thuê xe cẩu 500 tấn để đưa các cấu kiện, vật liệu lên cao, nhưng do vị trí cột thi công trên nền đất ruộng địa chất yếu, nên nhà thầu phải tiến hành đưa đất, đá vào gia cố tạo nền.
Theo ghi nhận thực tế, thi công trên công trường dự án đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên không có vị trí nào giống vị trí nào, mỗi điểm cột là một bài toán kỹ thuật, một phương án thi công khác nhau. Điều đó đòi hỏi các nhà thầu không chỉ quyết tâm cao độ, vượt khó trong tổ chức thi công mà cần phải có năng lực chuyên môn cao. Đơn cử tại vị trí cột VT166 (xã Mường Lai, tỉnh Lào Cai) nằm trên địa hình có đá xen kẹp ở tầng dưới và núi đá ở phía trên, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Đây là một trong những vị trí có điều kiện thi công đặc biệt khó khăn, đòi hỏi giải pháp xử lý móng và chống sạt an toàn, hiệu quả. Trong khi đó, VT160, VT161 trên địa bàn xã Lục Yên, tỉnh Lào Cai, mặt bằng thi công chật hẹp, địa hình dốc, buộc nhà thầu phải tổ chức thi công theo từng hố riêng biệt, đồng thời bố trí kho vật tư gần vị trí móng để giảm thời gian vận chuyển.
Trên toàn tuyến, vị trí cột VT176 cũng là một trong những điểm nằm trên đường găng về tiến độ do đặc thù địa hình. Vị trí này nằm trên địa hình dốc cao, khúc khuỷu, đường thi công tạm bợ len lỏi giữa sườn núi. Để đáp ứng vật tư, thiết bị cho thi công, nhà thầu đã huy động đồng thời hai máy xúc-một chiếc kéo đầu, một chiếc đẩy để hỗ trợ xe vật tư thiết bị lên vị trí lên dốc. Đây là giải pháp tình thế, tiêu tốn nhiều nhân lực, thiết bị, nhưng là lựa chọn khả thi duy nhất tại thời điểm này để duy trì tiến độ. Nhờ cách triển khai linh hoạt, đến nay, tiến độ thi công VT176 vẫn bám sát cùng tiến độ chung của dự án.
Tối ưu kinh nghiệm từ dự án đường dây 500kV mạch 3
Để giải quyết những thách thức trên toàn tuyến công trường dự án đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên, không thể không nhắc đến vai trò của những kinh nghiệm “xương máu” từ dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, vốn được xem là “cẩm nang” quý giá cho các nhà thầu thi công hiện nay. Một điểm thuận lợi đáng kể của không ít nhà thầu có được từ kinh nghiệm thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 chính là dựng cột ống. Nếu như công nghệ cột ống lần đầu tiên được áp dụng thực hiện tại công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối với nhiều bỡ ngỡ, thì nay được triển khai thuần thục tại dự án đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên.

Thi công tại cột VT369 vượt sông Lô, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: THANH TUẤN
Từng tham gia thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, ông Nguyễn Hữu Hùng, Công ty TNHH Đầu tư Xây lắp Điện 4, cán bộ kỹ thuật của gói thầu số 2HH (với 47 vị trí cột từ VT52 đến VT99) cho biết, khác với cột hình, cột ống có kết cấu tròn và chiều cao lớn, việc thi công lắp dựng từng mảng ở trên cao thường rất vất vả, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đối với thi công cột ống, nhà thầu áp dụng kỹ thuật gá lắp cột dưới đất trước khi kéo lên, rút ngắn thời gian dựng cột từ gần một tháng xuống còn 5-7 ngày mỗi vị trí. Điều này góp phần đẩy nhanh tiến độ đáng kể so với phương pháp truyền thống.
Từng là nhà thầu thi công tuyến 500kV mạch 3, ông Lê Ngọc Tú, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty TNHH Sông Đà 11 miền Bắc (đơn vị thi công gói thầu 4HH với 51 vị trí cột từ VT149 đến VT200) chia sẻ, nhiều kinh nghiệm quý báu đã được đơn vị áp dụng vào công trình hiện tại, nhất là khi yêu cầu về tiến độ rất gấp, rút ngắn hai tuần so với mục tiêu ban đầu. Theo đó, đơn vị đã cải tiến kỹ thuật đáng kể như tổ chức dựng cột bằng cẩu lớn tại các vị trí địa hình thuận lợi, mở đường tạm để đưa thiết bị vào các điểm khó tiếp cận. Đặc biệt, áp dụng công nghệ UAV (thiết bị bay không người lái) để đưa dây dẫn vào vị trí, rút ngắn đáng kể thời gian kéo dây...
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Du, kỹ sư Ban Quản lý dự án Điện 1 cho biết: So với đường dây 500kV mạch 3, dự án lần này có nhiều cải tiến đáng kể. Ngay từ khâu thiết kế, chủ đầu tư và tư vấn đã tổ chức hội thảo chuyên đề với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (chủ đầu tư của đường dây 500kV mạch 3) để các bên trao đổi kinh nghiệm, cùng đưa ra thảo luận và cùng nhau học hỏi kinh nghiệm. Đáng nói, tuyến đường tạm phục vụ thi công được chuẩn bị ngay từ đầu. Theo đó, chủ đầu tư đã làm việc với chính quyền địa phương ngay để có văn bản chấp thuận và quyết định như: Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của các tuyến đường tạm, quyết định khai thác lâm sản của tuyến đường tạm vào vị trí chân móng... Nhà thầu chỉ việc bắt tay vào thi công, nhờ đó giảm thời gian làm thủ tục. Một kinh nghiệm đáng quý nữa, đó là việc tối ưu cơ giới hóa thi công, do dự báo trước những vị trí móng có khối lượng lớn, đơn vị thi công đã mở đường, bố trí cẩu lớn, dùng bê tông thương phẩm thay vì trộn tại chỗ, rút ngắn đáng kể thời gian lắp dựng, thi công móng...
Dự án đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên đang từng bước hiện thực hóa yêu cầu “6 hơn” của Thủ tướng Chính phủ và đến ngày 19-8 chắc chắn phải xong để khánh thành. Đây chính là mệnh lệnh của Chính phủ, từ Thủ tướng Chính phủ, mệnh lệnh của tinh thần trách nhiệm.
(còn nữa)