Truyền thông tiết kiệm năng lượng: Phát huy vai trò chủ lực của báo chí
Truyền thông tiết kiệm năng lượng đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen tiêu dùng, thúc đẩy hành động xanh, bền vững.
Tại Hội nghị “Tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/7, TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đã thông tin về kỹ năng truyền thông và khai thác thông tin về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng câu chuyện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Lan tỏa văn hóa tiết kiệm năng lượng
Theo TS. Trần Bá Dung, công tác báo chí, truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện theo những định hướng trọng tâm như: Tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Quang cảnh Hội nghị “Tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” do Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh: Nam Nguyễn
TS. Trần Bá Dung cho rằng, báo chí cần đóng vai trò chủ lực trong việc phổ biến rộng rãi các kiến thức cơ bản về tiết kiệm năng lượng, giúp mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc sử dụng năng lượng hiệu quả, gắn với lợi ích kinh tế của mỗi cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia.
Ngoài ra, báo chí, truyền thông cũng cần cung cấp thông tin khoa học, thông tin chính sách và thực tiễn. Các cơ quan báo chí có trách nhiệm truyền tải đầy đủ, chính xác những nội dung khoa học, những chính sách, quy định của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời phản ánh thực tiễn triển khai ở các địa phương, doanh nghiệp để thông tin đến cộng đồng một cách khách quan, sinh động.
Cũng như lan tỏa các mô hình và sáng kiến điển hình, theo TS. Trần Bá Dung, thông qua việc phát hiện, tuyên truyền các mô hình tiêu biểu, các sáng kiến sáng tạo trong tiết kiệm năng lượng, báo chí sẽ góp phần nhân rộng những cách làm hiệu quả, tạo sức lan tỏa tích cực trong toàn xã hội.
Kêu gọi hành động cụ thể, báo chí không chỉ dừng ở việc thông tin, mà cần thúc đẩy hành động bằng cách kêu gọi từng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp thực hiện những hành vi cụ thể, thiết thực nhằm tiết kiệm năng lượng, hình thành thói quen tiêu dùng năng lượng văn minh, hướng tới sự phát triển bền vững.

TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ về kỹ năng truyền thông và khai thác thông tin về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Nam Nguyễn
Cũng theo TS. Trần Bá Dung, công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, báo chí đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Với lợi thế là kênh thông tin nhanh nhạy, tiếp cận rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, báo chí giúp phổ biến thông tin tới đông đảo công chúng một cách kịp thời, chính xác và trung thực.
“Thông qua việc cung cấp những kiến thức thiết thực, dễ hiểu về các vấn đề liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, báo chí góp phần hình thành nhận thức đúng đắn, nâng cao ý thức cộng đồng, từ đó thúc đẩy thay đổi hành vi và lan tỏa phong trào tiết kiệm năng lượng trong xã hội”, TS. Trần Bá Dung nhấn mạnh.
Báo chí tiếp sức xây dựng xã hội tiết kiệm năng lượng
Bên cạnh đó, thông tin về việc cung cấp thông tin khoa học, thông tin chính sách và thực tiễn, TS. Trần Bá Dung cho biết, báo chí, truyền thông có thể thông qua việc tiếp cận với chuyên gia và nghiên cứu khoa học, qua hình ảnh, con số, câu chuyện cụ thể; thực hiện truyền thông chính sách hay thông tin về nguyên nhân và hậu quả của các vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó thúc đẩy các giải pháp bền vững…
“Đặc biệt, báo chí cần làm rõ nguyên nhân và hậu quả của các vấn đề trong sử dụng năng lượng, từ đó thúc đẩy nhận thức cộng đồng về sự cấp thiết của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, góp phần định hướng dư luận và lan tỏa các giải pháp phát triển bền vững”, TS. Trần Bá Dung nói.
Báo chí cần chủ động mở ra các cuộc thảo luận, thông qua các diễn đàn trực tuyến hoặc trực tiếp, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây sẽ là không gian cởi mở để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân cùng trao đổi, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.

Truyền thông đóng vai trò cầu nối từ kiến thức tiết kiệm năng lượng tới hành động, góp phần xây dựng xã hội tiêu dùng văn minh, phát triển bền vững. Ảnh minh họa
Việc khuyến khích sự tham gia rộng rãi của cộng đồng không chỉ giúp lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm hữu ích mà còn góp phần thúc đẩy tinh thần trách nhiệm xã hội, tạo ra những sáng kiến, giải pháp thiết thực, khả thi nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong đời sống và sản xuất.
TS. Trần Bá Dung cũng cho rằng, báo chí cần đẩy mạnh việc lan tỏa các mô hình điển hình và sáng kiến hiệu quả trong sử dụng năng lượng tiết kiệm. Thông qua việc giới thiệu các mô hình thực tế, các giải pháp sáng tạo và các câu chuyện thành công của cá nhân, doanh nghiệp, địa phương trong việc tiết kiệm năng lượng, báo chí sẽ góp phần truyền cảm hứng tích cực tới cộng đồng.
“Những tấm gương điển hình, cách làm hay sẽ khuyến khích người dân thay đổi hành vi tiêu dùng năng lượng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả hơn, đồng thời từng bước hình thành thói quen tiêu dùng có trách nhiệm, thúc đẩy lối sống xanh, lối sống bền vững trong toàn xã hội”, TS. Trần Bá Dung giải thích.
Thông tin thêm, TS. Trần Bá Dung cho hay, báo chí không chỉ là kênh thông tin mà còn đóng vai trò là lực lượng phản biện và giám sát xã hội đối với việc thực hiện các chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thông qua các bài viết điều tra chuyên sâu, các ý kiến phân tích từ chuyên gia, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, cũng như tổ chức các chiến dịch truyền thông quy mô lớn, báo chí có thể lên tiếng mạnh mẽ, kêu gọi sự vào cuộc trách nhiệm của các cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
“Báo chí góp phần thúc đẩy sự minh bạch, khơi dậy tinh thần trách nhiệm xã hội, tạo áp lực tích cực để hình thành các giải pháp, chính sách thực chất, đồng thời lan tỏa phong trào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn xã hội”, TS. Trần Bá Dung nói.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tập huấn truyền thông trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, nhằm nâng cao năng lực truyền thông và lan tỏa nhận thức xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Sự kiện có sự tham gia của hơn 50 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí khu vực miền Bắc.Trong khuôn khổ hội nghị tập huấn, các phóng viên, biên tập viên được: Cập nhật các thông tin chính sách, pháp luật mới về tiết kiệm năng lượng. Tổng quan kết quả triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP 3) thời gian qua. Trao đổi kỹ năng tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cách khai thác, sử dụng thuật ngữ kỹ thuật, xây dựng câu chuyện và góc nhìn mới để tiếp cận bạn đọc…