Tăng tốc số hóa: Động lực mới cho công nghiệp phát triển

Chuyển đổi số đang định hình lại phương thức sản xuất công nghiệp toàn cầu.

Với Việt Nam, đây không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc để thích nghi, nâng sức cạnh tranh và bắt nhịp xu thế phát triển mới.

Chuyển đổi số và phát triển nhà máy thông minh

Việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ngành Công Thương là vô cùng cần thiết trong nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của Bộ Công Thương cũng như thúc đẩy kinh tế số trong ngành. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, quá trình số hóa được đánh giá đã làm thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp, đưa tỷ trọng của những ngành khai thác giảm dần và tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo tăng dần.

Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn An Sơn - Trưởng phòng Phát triển dự án, Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương xác định chuyển đổi số, là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) bày tỏ, thời gian qua, Cục Công nghiệp đã thường xuyên tổ chức hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ áp dụng các mô hình chuyển đổi số và phát triển nhà máy thông minh. Mục đích để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nâng cao năng lực và tối ưu hóa quá trình sản xuất, đáp ứng chuỗi cung ứng, chuỗi cạnh tranh trên toàn cầu.

Đơn cử với ngành dệt may đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, như: Nhà máy dệt may thông minh sử dụng thiết bị kỹ thuật số kết nối toàn bộ nhà máy qua IoT (internet vạn vật); dây chuyền sản xuất sơ mi 100% kết hợp người và máy móc... Hiện 35% nhà sản xuất dệt may sẵn sàng tích hợp công nghệ IoT; 42% sẵn sàng với điện toán đám mây; 18% sẵn sàng áp dụng chuỗi khối; 27% sẵn sàng sử dụng nền tảng quản lý dữ liệu…

Nhằm đẩy mạnh các mô hình chuyển đổi số, Bộ Công Thương đã hợp tác với một số tập đoàn đa quốc gia, như: Samsung, Toyota... nhằm đào tạo chuyên gia tư vấn, tập huấn, đào tạo các mô hình sản xuất, quản lý chất lượng hiện đại cho một số doanh nghiệp. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030 cũng đang được Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Khuyến khích chuyển đổi mô hình kinh doanh trong sản xuất công nghiệp

Khuyến khích chuyển đổi mô hình kinh doanh trong sản xuất công nghiệp

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương triển khai xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030. Đây sẽ là chương trình trọng điểm để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công trong thời gian tới.

Cần chiến lược và nhân lực chất lượng

Để chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, bắt kịp với sự thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của công nghệ, đồng thời thúc đẩy lĩnh vực sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thì cần có lộ trình xây dựng chiến lược phát triển và chuyển đổi số riêng cho lĩnh vực công nghiệp. Nhanh chóng mở rộng quy mô đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ số cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong những thập kỷ tới.

Theo đó, khuyến khích mô hình đào tạo liên kết giữa doanh nghiệp với trường đại học và các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để phát triển nhân lực số cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Khuyến khích thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình kinh doanh trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước triển khai ứng dụng các nghiên cứu khoa học cơ bản, sáng tạo vào sản xuất. Đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy sự chuyển giao và trao đổi công nghệ cao, công nghệ mới giữa các ngành công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp công nghệ lớn trên toàn cầu.

Trong lĩnh vực sản xuất, quá trình số hóa được đánh giá đã làm thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp. Ảnh: Cấn Dũng

Trong lĩnh vực sản xuất, quá trình số hóa được đánh giá đã làm thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp. Ảnh: Cấn Dũng

Liên quan đến nguồn nhân lực, TS Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội nêu giải pháp, nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển công nghiệp số thì trong những năm vừa qua, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã liên tục đổi mới, cải tiến các chương trình đào tạo, đặc biệt là mở mới các chương trình đào tạo theo xu hướng và nhu cầu xã hội cần.

Hiện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có 5 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn ABET của Hoa Kỳ (gồm Khoa học Máy tính, Công nghệ kỹ thuật Ô tô, Công nghệ kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử). Ngoài ra có chương trình điện tử, viễn thông cũng thuộc lĩnh vực công nghệ số thì được kiểm định ABET của Hoa Kỳ.

Từ những nỗ lực của doanh nghiệp, ông Chu Việt Cường thông tin, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số như nghiên cứu, rà soát, đề xuất và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số.

Ngoài ra, có thể sẽ ban hành chương trình hỗ trợ sản xuất công nghiệp hướng tới áp dụng 4.0 và tiến tới thông qua chuyển đổi số để phát triển nhà máy thông minh cho tới giai đoạn 2030. Tiếp đó là tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên về chuyển đổi số nhằm mục đích nâng cao nhận thức về việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Quá trình chuyển đổi số, hình thành sản xuất thông minh không chỉ cần sự hỗ trợ của Nhà nước, sự hướng dẫn của các chuyên gia, mà còn cần sự quyết tâm đầu tư mạnh mẽ cũng nhưsự nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên trong mỗi doanh nghiệp.

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-toc-so-hoa-dong-luc-moi-cho-cong-nghiep-phat-trien-388072.html
Zalo