Giải pháp công nghệ tiên phong cho tương lai bền vững
Trong khuôn khổ triển lãm 'Nghị quyết 68 - Động lực mới cho phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam' tổ chức tại Tòa nhà Quốc hội (Ba Đình, Hà Nội) diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/5, CT Group và các công ty công nghệ thành viên đã giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ tiên phong.
Ba giải pháp mở lối cho tương lai bền vững
Đây không chỉ là những thành quả nghiên cứu, mà còn là minh chứng cho năng lực nội sinh và tư duy dài hạn của một lực lượng tư nhân công nghệ cao đang góp phần hình thành cấu trúc phát triển mới cho đất nước.
Tâm điểm của không gian triển lãm là mẫu máy bay không người lái chở người, đây là công nghệ UAV cao cấp nhất do CT UAV - công ty thành viên của CT Group nghiên cứu và phát triển. Với vận tốc 190km/h, khả năng bay liên tục trong 2 giờ và cự ly hoạt động 350km, phương tiện này đánh dấu bước tiến đáng kể trong xu hướng giao thông thông minh, thân thiện môi trường. Sau khi bay thử thành công ở tỉ lệ 1/6, mẫu kích thước thật 1/1 dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 10/2025. Trong bối cảnh hạ tầng đô thị đang đối mặt với giới hạn, phương tiện bay cá nhân do người Việt phát triển mang theo nhiều kỳ vọng thay đổi cục diện giao thông tương lai.
Tại sự kiện, CT Semiconductor (cũng thuộc CT Group) giới thiệu nhà máy sản xuất chip bán dẫn đã khởi công giai đoạn 2 vào ngày 30/4 vừa qua tại Bình Dương. Đây là nhà máy làm chip ATP đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ. Nhà máy dự kiến đi vào vận hành trong quý 4/2025 và không chỉ hướng đến mục tiêu sản xuất 100 triệu chip mỗi năm vào 2027 mà còn chú trọng đầu tư mạnh cho R&D. Việc phân bổ hơn 10% ngân sách cho nghiên cứu và phát triển cho thấy định hướng rõ ràng: không chỉ tham gia thị trường bán dẫn, mà còn từng bước làm chủ các công nghệ phục vụ AI, 6G và phương tiện bay không người lái… - những lĩnh vực có sức ảnh hưởng sâu rộng trong tương lai gần.

Tổng Bí thư Tô Lâm đến thăm gian hàng của CT Group.
Ở một hướng tiếp cận khác, CT Group tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong bằng giải pháp cho thị trường tín chỉ carbon – một thị trường đang hình thành nhanh chóng trong bối cảnh toàn cầu hóa xanh. Với Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN CCTPA, đây là công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kiểm định, tạo lập, tư vấn, trao đổi, ký gửi tín chỉ carbon. CCTPA xây dựng một hệ sinh thái toàn diện từ đo lường phát thải bằng UAV (CarbonFly), kiểm kê phát thải tự động qua nền tảng Sustain.Life, đến tư vấn ESG và chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp. CCTPA không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường tín chỉ quốc tế mà còn giúp hình thành năng lực cạnh tranh mới, đón đầu yêu cầu khắt khe về phát triển bền vững trong thương mại toàn cầu.
Cú hích cho hiện thực hóa Nghị quyết 68
Nghị quyết 68 không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển tư nhân theo chiều rộng mà còn kỳ vọng nâng khu vực này thành trụ cột về năng suất, đổi mới và hội nhập. Trong bối cảnh đó, CT Group như một ví dụ cụ thể về một tập đoàn không chỉ tăng trưởng mà còn “chuyển hóa” từ doanh nghiệp đa ngành trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo với định hướng công nghệ lõi rõ rệt.
Không đầu tư dàn trải hay chạy theo xu hướng, CT Group tập trung vào những lĩnh vực có khả năng tạo ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế như: hạ tầng giao thông tương lai, bán dẫn – nền tảng công nghiệp số, và thị trường carbon – một cấu phần mới của kinh tế xanh. Những gì CT Group đang làm, xây dựng hệ sinh thái 9 ngành công nghệ lõi 4.0, không chỉ góp phần hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 68, mà còn gợi mở mô hình tư nhân kiểu mới: tự chủ công nghệ, định hướng dài hạn và hành động gắn với chiến lược quốc gia.
Sau 33 năm bền bỉ phát triển, CT Group không chỉ đơn thuần lớn mạnh, mà đang định vị lại vai trò của khu vực tư nhân trong cấu trúc kinh tế Việt Nam. Sự hiện diện của đơn vị tại triển lãm không chỉ để giới thiệu sản phẩm, mà còn đặt ra một khả năng rất thật: Việt Nam hoàn toàn có thể đi lên bằng công nghệ do chính doanh nghiệp trong nước sáng tạo, làm chủ và triển khai.
Cam kết theo đuổi triệt để chiến lược vươn lên làm chủ công nghệ lõi 4.0 chính là cách CT Group khẳng định trách nhiệm quốc gia của mình - không chỉ tạo sản phẩm cho thị trường, mà còn kiến tạo giá trị Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu. Và chính từ những mô hình như vậy, động lực phát triển kinh tế tư nhân – như kỳ vọng của Nghị quyết 68, mới thật sự trở thành hiện thực.