Tăng tốc hoàn thành dự án giao thông các tỉnh miền Trung

Hiện tại, trên công trường dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E (Quảng Nam), Quốc lộ 7 (Nghệ An) vẫn rộn ràng, tất bật. Các nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, thiết bị để triển khai thi công không nghỉ, tranh thủ thời tiết thuận lợi nhằm tăng tốc hoàn thành 2 dự án trọng điểm này, tạo tiền đề để cho kinh tế - xã hội miền Trung phát triển.

Giải phóng mặt bằng tại điểm nghẽn cầu vượt qua đường sắt, Quốc lộ 14E (Quảng Nam). Ảnh: Lộc Đức

Giải phóng mặt bằng tại điểm nghẽn cầu vượt qua đường sắt, Quốc lộ 14E (Quảng Nam). Ảnh: Lộc Đức

Tranh thủ tối đa điều kiện thời tiết thuận lợi

Ông Lê Đức Lộc - Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam), đơn vị quản lý dự án cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E hiện đã bước vào giai đoạn nước rút, cần tranh thủ tối đa điều kiện thời tiết thuận lợi.

Dự án cải tạo nâng cấp QL.7 đoạn Km0 - Km36 dự kiến ngày hoàn thành 18/7/2025

Dự án cải tạo nâng cấp QL.7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài tuyến dài 28,2 km qua địa bàn các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương khoảng 4,5 km và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn dài 0,7 km qua địa bàn huyện Tương Dương có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, do Cục Đường bộ Việt Nam được giao là chủ đầu tư. Dự án đã khởi công ngày 7/9/2022, dự kiến ngày hoàn thành 18/7/2025.

Không chỉ thi công liên tục trong dịp lễ 30/4 và 1/5, các đơn vị còn tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến. Hệ thống biển báo, rào chắn, cảnh báo được lắp đặt đầy đủ, lực lượng điều tiết giao thông được bố trí tại các điểm thi công trọng yếu. Song song với đó, các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để phân luồng hợp lý, tránh gây ùn tắc và ảnh hưởng đến đời sống người dân, kế hoạch đến ngày 30/6/2025 phải hoàn thiện toàn bộ các đoạn tuyến có mặt bằng sạch. Hiện nay toàn tuyến đã "trải thảm" được 9,6 km bê tông nhựa mặt đường. Dự kiến trong tháng 5/2025, các nhà thầu sẽ hoàn thành thêm khoảng 18 km thảm bê tông nhựa, tiến gần hơn đến mục tiêu thông tuyến theo kế hoạch.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E khởi công vào ngày 7/3/2023. Tuyến đường qua 3 huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, điểm đầu tại km 15+270 (xã Bình Quý, Thăng Bình) và điểm cuối tại km 89+700 (giao với đường Hồ Chí Minh tại xã Phước Xuân, Phước Sơn). Chiều dài toàn tuyến gần 75 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.848 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bề rộng nền đường tiêu chuẩn 9 m, riêng đoạn tuyến giao với đường sắt Bắc - Nam có mặt cắt nền đường mở rộng lên 12 m để đảm bảo an toàn và kết nối hạ tầng đồng bộ.

“Dưới sự chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam và nỗ lực của Ban Quản lý dự án 4 cùng các nhà thầu, dự án quốc lộ 14E đang từng bước được hiện thực hóa để thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Dự án cải tạo Quốc lộ 7 mới bàn giao được 97,8% mặt bằng

Còn tại một dự án khác cũng thuộc khu vực miền Trung, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 4, hiện trên công trường dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An hiện có tổng số 16 mũi thi công, 53 máy móc, thiết bị cùng 17 kỹ sư, 108 công nhân, cơ bản phù hợp với mặt bằng được bàn giao hiện nay. Tuy nhiên một số đoạn bàn giao mặt bằng không liên tục nên nhà thầu chưa huy động tối đa thiết bị, nhân lực để triển khai thi công. Lũy kế sản lượng đến nay đạt hơn 615 tỷ đồng đạt 86,07% giá trị hợp đồng (không tính chi phí dự phòng), chậm 10,15% so với tiến độ các gói thầu xây dựng được gia hạn đến ngày 31/5/2025 đối với gói thầu xây dựng 01, ngày 18/7/2025 đối với gói thầu xây dựng 02 và ngày 30/4/2025 đối với gói thầu xây dựng 03.

Lý do chậm ở các gói thầu là vì mặt bằng thi công chưa được bàn giao toàn bộ và đúng kế hoạch cam kết của địa phương. Đến thời điểm hiện nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng được khoảng 54,182/55,405 km (đạt 97,80%), tính cả trái và phải tuyến, trong đó các nhà thầu đã tiếp cận để thi công được 54,182/54,182 km.

Phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao khoảng 1,220/55,405 km chiếm 2,2%, bao gồm 44 đoạn. Trong đó huyện Diễn Châu 24 đoạn với tổng chiều dài khoảng 0,517 km, huyện Yên Thành 20 đoạn với tổng chiều dài khoảng 0,703 km.

Cũng theo ông Lê Đức Lộc - Giám đốc Ban Quản lý dự án 4, đơn vị này đã kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND các huyện Diễn Châu, Yên Thành tập trung tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của Nhà nước. Khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục liên quan để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trong thời gian sớm nhất.

Đối với một số hộ không đủ điều kiện để đền bù, hoặc có đất theo trích đo không ảnh hưởng đến dự án, hoặc xây dựng công trình trái phép trên đất lưu không đường bộ, hoặc đã ra quyết định phê duyệt đảm bảo các thủ tục pháp lý, đã được UBND huyện tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tuyên truyền vận động nhưng tại địa bàn huyện Yên Thành, Diễn Châu, đề nghị Hội đồng Giải phóng mặt bằng xem xét bàn giao mặt bằng và tổ chức bảo vệ thi công trong tháng 5/2025 để sớm đưa dự án về đích, tạo tiền đề tốt thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông tỉnh Nghệ An nói riêng và khu vực miền Trung phát triển...

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-toc-hoan-thanh-du-an-giao-thong-cac-tinh-mien-trung-176098.html
Zalo