Từ 1-7, nhiều chính sách mới với người tham gia BHXH tự nguyện

Từ 1-7-2025, người tham gia BHXH tự nguyện trước 1-1-2021 được lựa chọn thời điểm nhận lương hưu.

Theo quy định hiện hành, người lao động tự do hoặc mất việc có thể tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng hai chế độ là lương hưu và tử tuất. Tuy nhiên, Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây bổ sung thêm chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện và nhiều chính sách liên quan.

Điều kiện hưởng trợ cấp thai sản

Theo Bộ Nội vụ, Luật BHXH 2024 quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (cả lao động nữ và nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản BHXH bắt buộc còn mẹ được hưởng trợ cấp thai sản BHXH tự nguyện và ngược lại.

Còn cha và mẹ đều tham gia BHXH tự nguyện thì cả hai cùng được hưởng. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản.

 Người tham gia BHXH tự nguyện được nhận lương hưu như người tham gia BHXH bắt buộc. Ảnh: V.LONG

Người tham gia BHXH tự nguyện được nhận lương hưu như người tham gia BHXH bắt buộc. Ảnh: V.LONG

Kinh phí thực hiện trợ cấp trên do ngân sách nhà nước bảo đảm và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Đại diện Bộ Nội vụ cho biết khảo sát, tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 cho thấy số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn, mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp.

Trong khi thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số. “Vì vậy chính sách trên giúp tăng tính hấp dẫn và từng bước mở rộng chế độ chính sách cho người tham gia theo hình thức tự nguyện”- Bộ Nội vụ cho hay.

Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn năm nhận lương hưu

Người tham gia BHXH tự nguyện hay BHXH bắt buộc đều phải đảm bảo hai điều kiện để hưởng lương hưu đó là đủ tuổi và thời gian tham gia BHXH.

Theo quy định hiện hành, người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm 20 năm và nam nữ đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động 2029 (lộ trình nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035) sẽ được nhận lương hưu.

Tuy nhiên, Luật BHXH 2024 đã điều chỉnh về thời gian tham gia BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm, Bộ luật Lao động 2019 điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ như nêu ở trên. Vì vậy, Luật BHXH mới có đưa ra điều khoản chuyển tiếp cho phép người lao động tham gia BHXH tự nguyện trước thời điểm Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực được phép lựa chọn thời điểm nhận lương hưu.

Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1-1-2021 và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi với nữ. Song song đó, đối tượng này cũng có thể chọn nhận lương hưu khi mới tham gia đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy có thể thấy, người lao động tham gia BHXH tự nguyện trước khi có chính sách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu được linh hoạt chọn thời điểm nhận lương. Còn người tham gia BHXH tự nguyện gần đây và sau ngày 1-7-2025 chỉ được nhận lương hưu khi đảm bảo điều kiện duy nhất đó là tham gia BHXH tối thiểu 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.

Từ ngày 1-7, lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH có thể đóng một lần cho thời gian thiếu để hưởng hưu trí nhưng không quá 5 năm, thay vì 10 năm như hiện hành.

Tiền đóng một lần cho số năm còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội bình quân tháng của năm trước liền kề năm đóng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố.

Ví dụ: Bà Lan sinh ngày 14-1-1969, đến tháng 9-2025 tròn 56 tuổi 8 tháng, đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Song thời điểm này bà mới đóng BHXH 12 năm 8 tháng, chưa đủ thời gian tham gia để hưởng lương hưu. Bà Lan chọn đóng một lần cho thời gian còn thiếu ngay tại tháng 9-2025 và được hưởng lương hưu từ ngày 1-10.

Ngoài ra, lao động còn được chọn đóng một lần cho nhiều năm về sau để nhận lương ở mức cao hơn, nhưng không quá 5 năm một lần.

Mức hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện tương tự như BHXH bắt buộc. Cụ thể, lao động nữ đóng BHXH 15 năm tỉ lệ lương hưu bằng 45% bình quân thu nhập tháng đóng BHXH, nam có 15 năm đóng chỉ hưởng tỉ lệ 40% bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Mức hưởng tối đa 75%.

Ngoài được nhận lương hưu, người tham gia BHXH tự nguyện còn được cấp thẻ BHYT trọn đời.

Ông Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết tính đến cuối năm 2024, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 2,3 triệu người, con số này cao gấp hơn 10 lần so với năm 2017. Đây là kết quả của nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác truyền thông, cũng như chính sách hỗ trợ mức đóng cho một số nhóm đối tượng.

BHXH tự nguyện giúp người già có cơ hội được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, và các chế độ khác như tử tuất...

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-1-7-nhieu-chinh-sach-moi-voi-nguoi-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-post848463.html
Zalo