'Tăng tốc' đầu tư xử lý nước thải đô thị
Từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã quy hoạch và mời gọi đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho đô thị Biên Hòa, Long Khánh và một số huyện khác. Tuy nhiên, sau 10 năm, mới có thành phố Biên Hòa đầu tư được trạm xử lý nước thải sinh hoạt có công suất 3 ngàn m3/ngày đêm, đáp ứng khoảng 2,5% lượng nước thải sinh hoạt của thành phố. 10 đô thị còn lại của tỉnh vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt.
Nguyên nhân khiến các dự án xử lý nước thải đô thị tại Đồng Nai chậm triển khai là do khó huy động nguồn vốn để thực hiện. Bởi vì, mỗi dự án xử lý nước thải sinh hoạt cho đô thị có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Đơn cử, Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 1 của thành phố Biên Hòa có vốn đầu tư khoảng 6,6 ngàn tỷ đồng, trong đó 5,3 ngàn đồng vốn ODA và 1,3 ngàn tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh. Dự án khi hoàn thành sẽ xử lý nước thải sinh hoạt cho khoảng 9 phường với công suất 52 ngàn
m3/ngày đêm. Như vậy, nếu đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho cả đô thị Biên Hòa cần nguồn vốn lên đến trên 10 ngàn tỷ đồng. Và để hoàn thành các dự án xử lý nước thải đô thị của cả tỉnh sẽ cần đến vài chục ngàn tỷ đồng. Đây là nguồn vốn lớn, ngân sách tỉnh khó đủ điều kiện triển khai. Hiện mỗi năm Đồng Nai chỉ được Trung ương phân bổ vốn đầu tư công từ
12-15 ngàn tỷ đồng với nhiều dự án quan trọng nên sẽ không đủ vốn để phân bổ cho hàng loạt các dự án xử lý nước thải đô thị. Do đó, tỉnh đang trông đợi vào nguồn vốn từ đấu giá đất để ưu tiên cho những dự án quan trọng và cấp thiết.
Trong phát triển đô thị xanh, bền vững thì xử lý nước thải sinh hoạt là một trong những tiêu chí cần được ưu tiên triển khai sớm, vì góp phần bảo vệ môi trường. Đồng Nai trong tiến trình đến net zero thì không thể thiếu việc xử lý nước thải sinh hoạt cho 11 đô thị hiện hữu. Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030, Đồng Nai sẽ tăng thêm 8 đô thị và sau năm 2030 thêm 7 đô thị. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách, giải pháp để có vốn đầu tư vào các dự án xử lý nước thải sinh hoạt cho các đô thị. Mục tiêu để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng của các đô thị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, để tỉnh từng bước hoàn thành các tiêu chí trở thành một thành phố phát triển hiện đại, văn minh, xanh, bền vững.