Tăng thuế với thuốc lá, thúc đẩy sự phát triển bền vững
Các chuyên gia cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá không chỉ có lợi cho sức khỏe cộng đồng mà còn tạo điều kiện để các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ khác phát triển, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững.

Các chuyên gia trình bày tham luận tại buổi Thảo luận.
Điều chỉnh hành vi tiêu dùng
Phát biểu tại buổi Thảo luận về vai trò của thuế thuốc lá trong chính sách tài khóa và sức khỏe cộng đồng do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức ngày 25/2, ông Phạm Văn Long – Giám đốc VESS cho biết, năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cao, tạo động lực để thúc đẩy các cải cách về thủ tục hành chính cũng như điều chỉnh chính sách tài khóa.
Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế đầy tham vọng, Việt Nam còn là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong đó, mục tiêu 3.9 của Kế hoạch này nhằm tăng cường việc thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, bao gồm việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đổi với thuốc lá.
Theo ông Phạm Văn Long, thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đơn thuần là một công cụ tài chính mà còn là một biện pháp quan trọng để điều chỉnh hành vi tiêu dùng, giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm có hại và khuyến khích người dân chuyển sang các lựa chọn tiêu dùng lành mạnh hơn. Điều này không chỉ có lợi cho sức khỏe cộng đồng mà còn tạo điều kiện để các ngành Công nghiệp sản xuất và dịch vụ khác phát triển, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững.
Theo phân tích của VESS, bằng cách giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá thông qua việc tăng thuế, Chính phủ có thể giảm gánh nặng chi phí y tế cho quốc gia, giúp các nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn cho các mục tiêu phát triển khác. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO, 2024) cho thấy, chi phí y tế và kinh tế hàng năm của việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), tương đương 1,14% GDP (dựa trên số liệu năm 2022). Con số này lớn hơn năm lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
VESS cho rằng, tăng thuế thuốc lá không làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, thậm chí còn góp phần tăng thu ngân sách quốc gia. Cùng với đó, đã có nhiều bằng chứng nghiên cứu chỉ ra rằng tăng thuế thuốc lá không làm tăng buôn lậu. Tiêu thụ thuốc lá lậu ở Việt Nam ước tính giảm từ 20,7% năm 2012 xuống còn 13,7% vào năm 2017, được xác định là nhờ các nỗ lực tăng cường thực thi chống buôn lậu mạnh hơn. Đây cũng là một trong những giai đoạn mà Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá.
Cũng theo VESS, nguồn thu từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng, đảm bảo khả năng chi trả cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Một quốc gia với một cộng đồng khỏe mạnh sẽ có nền kinh tế vững mạnh hơn, vì vậy, việc tăng thuế thuốc lá là một bước đi đúng đắn trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước
Chia sẻ tại buổi thảo luận, ThS. Đào Thế Sơn - Chuyên gia Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) cho biết, nếu tất cả các quốc gia đồng loạt tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến giá thuốc lá, đồ uống có cồn và đồ uống có đường tăng 50%, nhưng lại có thể ngăn chặn hơn 50 triệu ca tử vong sớm trong vòng 50 năm tới. Đồng thời, biện pháp này sẽ giúp các chính phủ thu về hơn 20 nghìn tỷ USD từ nguồn thuế bổ sung. Việc tiếp tục tăng thuế và giá các sản phẩm này trong những năm tới không chỉ cứu sống thêm nhiều người mà còn góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia.
Cùng với đó, việc tăng thuế không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu công. Nguồn thu từ thuế có thể được sử dụng để đầu tư cho hệ thống y tế, hỗ trợ công tác phòng chống và điều trị bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, ngân sách này còn góp phần xây dựng quỹ dự phòng nhằm ứng phó hiệu quả với các đại dịch trong tương lai. Bên cạnh đó, nguồn thu từ thuế cũng đóng góp chung vào ngân sách quốc gia, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần vững tin rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em.
“Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh. Ngoài ra, các nguồn thu từ tăng thuế thuốc lá còn giúp bổ sung nguồn lực để Nhà nước có thể thực hiện các chương trình phát triển kinh tế bền vững, trong đó có giảm tỉ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng thu nhập”, ông Nguyễn Anh Dương nhận định.