Tăng thuế tiêu thụ đối với đồ uống có cồn: Lộ trình nào phù hợp?
Ngày 14/11, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam VnEconomy đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (TTĐB) đối với đồ uống có cồn với chủ đề 'Phương án tăng thuế đạt đa mục tiêu và lợi ích bền vững'.
Cần đánh giá toàn diện trước khi áp thuế
Tại Hội thảo, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả nghiên cứu công trình: “Đánh giá tác động kinh tế định lượng của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện với 3 phương án khi đánh giá các tác động tăng thuế, trong đó 2 phương án dự kiến tăng của Bộ Tài chính đối với mặt hàng bia (được đề cập trong dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi) và 1 phương án tăng thuế theo đề xuất của Hiệp hội bia rượu và nước giải khát Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương cho biết: Qua nghiên cứu định lượng thì nhóm thực hiện nhận thấy khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) tăng. Nhưng xét chung về tác động kinh tế, khi tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của các ngành trong quan hệ liên ngành. Hệ quả là dẫn tới khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp giảm, kéo theo lợi nhuận giảm sút, làm giảm thu nhập của người lao động và do đó thuế trực thu giảm.
Bà Thảo kết luận, tăng thu ngân sách nhà nước trong cả hai phương án của Bộ Tài chính đều chỉ trong ngắn hạn, hơn nữa cũng không bù đắp được mức sụt giảm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương khuyến nghị, khi đề xuất phương án tăng thuế TTĐB cần đánh giá toàn diện và tính tới các yếu tố như: bối cảnh kinh tế, thực trạng doanh nghiệp, yêu cầu về phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ trong nước, các công cụ điều tiết khác sẵn có, các hệ lụy kinh tế, xã hội…
Nhiều chuyên gia cũng cùng quan điểm với bà Thảo, khi cho rằng cần phải có thêm các nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn, đảm bảo cả định lượng và định tính khi đánh giá về tác động của các phương án, các kịch bản tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm đồ uống có cồn theo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, để nhìn nhận rõ ràng hơn mức độ tác động theo các chiều hướng: Bộ phận - tổng thể; theo thời gian: Ngắn hạn - trung hạn - dài hạn. Trên cơ sở đó mới có thể xác định một phương án tối ưu, có khả năng đảm bảo bền vững các mục tiêu cần đạt được.
Một số chuyên gia hiện cho rằng điều chỉnh thuế TTĐB tác động đến GDP thì Tiến sỹ Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) lại không đồng tình. Ông cho rằng, bản chất của thuế TTĐB là thuế gián thu, nên chỉ chuyển từ mặt hàng này sang mặt hàng khác, như vậy khi điều chỉnh sẽ không liên quan nhiều tới chỉ số GDP.
Việc tăng thuế không hoàn toàn làm giảm cầu tiêu dùng, mà chỉ trì hoãn quá trình tăng nhu cầu, và chỉ là tác động một lần, không phải lâu dài. Khi Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo Việt Nam phải tăng thuế với bia rượu, họ cũng đưa ra các dẫn chứng về tác động của các mặt hàng này đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo ông Tú, việc cần làm là đưa ra kịch bản mức tăng thế nào cho phù hợp. Do đó, cần nhìn lại mục tiêu ban đầu là để thay đổi hành vi người tiêu dùng, giảm tiêu dùng. Thực hiện điều này sẽ phải áp dụng phương án tăng "sốc", nhưng sẽ tác động đến doanh nghiệp, còn mức tăng từ từ thì khó thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Lùi thời gian hiệu lực của Luật để doanh nghiệp thích nghi?
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế khi phân tích về tác động của điều chỉnh thuế TTĐB với doanh nghiệp nhìn nhận, ngoài khó khăn chung, doanh nghiệp ngành đồ uống cũng đang có khó khăn riêng. Cụ thể, ngành này không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (giảm 2%). Thời điểm dịch COVID bùng nổ kéo theo các biện pháp hành chính về tránh tụ tập, đóng cửa các cơ sở ăn uống, lưu trú, vui chơi - giải trí... kéo dài cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. Bên cạnh đó, chi phí, giá nguyên vật liệu chính của ngành tăng từ 15 - 40%... đã kéo giảm kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành.
Vị chuyên gia đưa ra dẫn chứng từ khảo sát của Statista cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2023, lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10% so với năm trước); thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm.
Với những khó khăn kể trên, ông Cấn Văn Lực lo ngại rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống có cồn có thể làm các doanh nghiệp “khó chồng khó”. "Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống có cồn có thể tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng giảm tổng hòa lợi ích đối với ngành và nền kinh tế về trung, dài hạn. Tăng thuế càng nhanh, càng cao tổng hòa lợi ích giảm càng lớn", ông Lực lập luận.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn còn mang tính cào bằng đối với đồ uống có nồng độ cồn khác nhau; khó điều tiết hành vi tiêu dùng...
“Tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp ngân sách Nhà nước lâu dài; tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan (bao bì, vận tải, du lịch, ăn uống…)”, ông Lực nhận định.
Theo ông Lực, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn, cơ quan soạn thảo nên đưa ra các mức thuế suất khác nhau theo nồng độ cồn (nồng độ càng cao, thuế suất cao hơn). Đồng thời, ông Lực đề xuất xem xét lùi thời điểm hiệu lực của Luật đến 1/1/2027 để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thích nghi.