Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Lợi nhiều hơn hại

Liên quan đến vấn đề tăng thuế thuốc lá, các chuyên gia khẳng định điều này không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế như nhiều người lầm tưởng.

Hàng năm, chi phí ô nhiễm môi trường do thuốc lá (phá rừng, rác thải nhựa, ô nhiễm nước biển ...) là 99 nghìn tỷ đồng.

Hàng năm, chi phí ô nhiễm môi trường do thuốc lá (phá rừng, rác thải nhựa, ô nhiễm nước biển ...) là 99 nghìn tỷ đồng.

Góp phần tăng trưởng kinh tế

Trước những lo ngại về vấn đề tăng thuế thuốc lá ảnh hưởng đến doanh nghiệp, từ đó giảm tăng trưởng kinh tế, ThS. Đào Thế Sơn, Chuyên gia Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies, lại đưa ra những dẫn chứng ngược lại, chứng minh thuốc lá gây ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế nhiều hơn lợi ích mang lại.

Ông Sơn dẫn chứng, hàng năm, chi phí ô nhiễm môi trường do thuốc lá (phá rừng, rác thải nhựa, ô nhiễm nước biển ...) là 99 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,04% GDP (GGTC, 2023).

Bằng chứng từ Hội Khoa học Kinh tế Y tế cũng nêu ra, hàng năm việc sử dụng thuốc lá làm mất 21,8 triệu giờ lao động của người Việt, bao gồm 13,4 triệu giờ người bệnh nghỉ việc đi khám chữa bệnh, 8,3 triệu giờ người nhà đi theo chăm sóc. Chưa tính đến trường hợp tử vong sớm làm mất hẳn số giờ lao động, và số thời gian hút thuốc trong giờ làm việc.

Năm 2020, theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN), tiêu dùng thuốc lá lấn át chi tiêu cho giáo dục, đặc biệt ở các hộ nghèo. “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể đảo ngược những mặt tiêu cực này, tức là nguồn vật lực và nhân lực sẽ không phải mất đi”, ThS. Đào Thế Sơn cho hay.

Ngoài ra, nghiên cứu từ Trường ĐH Thương Mại và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vào năm 2018 đã chứng minh khi đánh thuế, chi tiêu thuốc lá chuyển dịch sang các ngành dùng nhiều lao động hơn, giúp tăng số việc làm. Nghiên cứu cho thấy kịch bản nếu tăng thuế suất với thuốc lá từ 65% lên 85% sẽ làm tăng GDP thêm 0,09%; tăng thuế suất từ 64% lên 105% có thể tăng GDP thêm 0,18%.

Còn theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) các kịch bản cho thấy nguồn thuế từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thuốc lá có thể dùng để cải thiện các chương trình phát triển bền vững, cụ thể là trợ cấp cho giáo dục và hỗ trợ y tế cho hộ nghèo.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) do tác giả Hana Ross thực hiện năm 2021 chỉ ra việc Việt Nam chậm tăng thuế theo kịch bản của bộ Tài chính trong giai đoạn 2020-2021 đã khiến ngân sách mất nguồn thu khoảng 8 đến 9 nghìn tỷ đồng/năm.

ThS. Đào Thế Sơn kết luận, thuế TTĐB nên được coi là một chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mạnh dạn tăng thuế sẽ giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng và hướng tới tăng trưởng bền vững.

Ông Sơn nhấn mạnh không nên chậm trễ ban hành luật mới, ông lấy ví dụ giai đoạn 1963-1990 tại Mỹ, tiêu dùng thuốc lá tăng tỉ lệ thuận với số ca tử vong do ung thư. Từ năm 1963 tiêu dùng thuốc lá đi vào xu hướng giảm liên tục, thế nhưng 30 năm sau, số ca tử vong mới giảm tương ứng. Vì vậy, ban hành chính sách sớm sẽ cứu thêm được nhiều sinh mạng, đồng thời tránh mất đi nguồn thu cho ngân sách.

 Giới trẻ sử dụng thuốc lá ngày càng nhiều.

Giới trẻ sử dụng thuốc lá ngày càng nhiều.

Tăng thuế không dẫn đến thuốc lá lậu tràn lan

Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển phản biện lại lập luận: tăng thuế TTĐB với thuốc lá dẫn đến giảm tiêu thụ thuốc lá hợp pháp, tạo cơ hội tăng cường thuốc lá lậu do các sản phẩm này rẻ hơn và không phải chịu thuế.

TS. Nguyễn Ngọc Anh dẫn số liệu theo Tổng Cục Thống kê và Quỹ PCTH thuốc lá, theo đó từ năm 2008 đến năm 2023, tổng tiêu thụ thuốc lá trong nước gần như không đổi, trong khi sản lượng sản xuất và xuất khẩu ngày càng tăng. Nếu như năm 1994, người tiêu dùng phải bỏ ra 31% thu nhập năm để mua 100 bao thuốc lá thì đến năm 2017, chỉ cần bỏ ra 5,2% thu nhập năm là đủ mua số lượng tương đương.

Tổng hợp các khảo sát của DEPOCEN, GATS và WHO cho thấy từ năm 2012 đến năm 2017, tỷ lệ thuốc lá lậu giảm từ 20,2% xuống còn 13,72%, song song với các chính sách thuế thuốc lá được triển khai.

So sánh giá thuốc lá lậu và thuốc lá hợp pháp cũng cho thấy điều ngược lại lập luận rằng thuốc lá lậu rẻ hơn. Thực chất thuốc lá lậu có mức giá cao hơn đáng kể, thậm chí có xu hướng ngày càng cách biệt so với thuốc lá hợp pháp. Mức chênh lệch cao rõ rệt nhất ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc, mặc dù đây là những tỉnh có tỷ lệ thuốc lá lậu thấp nhất. Gần như toàn bộ thuốc lá lậu tập trung ở miền Nam, nhất là khu vực giáp ranh với Campuchia – nơi các thương hiệu như Hero và Jet (không được phép bán hợp pháp tại Việt Nam) được tuồn vào nhiều nhất..

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển cũng chỉ ra một điểm thú vị. Vào năm 2024, khi khảo sát các địa điểm bán lẻ thuốc lá tại miền Bắc và miền Nam, DEPOCEN phát hiện tại thời điểm thuế chưa tăng, thế nhưng trên 65 nhãn hàng phổ biến trên thị trường, có 26 nhãn thuốc lá đã tăng giá trước với mức tăng xấp xỉ 2000 nghìn đồng/bao. Song song với đó, thuốc lá lậu, dù không chịu thuế, cũng tăng giá tương đương.

“Như vậy lập luận cho rằng thuế thuốc lá tăng làm tăng tiêu thụ thuốc lá nhập lậu là không thuyết phục, bởi bên cạnh thuế tiêu thụ đặc biệt có thể đi kèm các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, kiểm soát thị trường và nâng cao năng lực hải quan”, TS. Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Duy Đạt

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-thuoc-la-loi-nhieu-hon-hai-post729968.html
Zalo