Tăng thuế thuốc lá và những hiểu lầm cần làm rõ
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do thuế thuốc lá ở nước ta còn rất thấp và cần thiết phải cải cách thuế thuốc lá.
Khuyến nghị cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá ở Việt Nam
ThS.BS. Nguyễn Tuấn Lâm – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, với hơn 15 triệu người hút thuốc lá ở Việt Nam hiện nay, hút thuốc lá đã gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm với xu hướng ngày càng tăng. Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021 ước tính nước ta có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động.
Ngoài ra, tổn thất gây ra bởi chi phí y tế để điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra và mất năng suất lao động do ốm đau, tử vong sớm là rất đáng kể, ước tính lên tới hơn 108.000 tỷ đồng vào năm 2022, tương đương với 1,1% GDP. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao trong nam giới trưởng thành còn làm suy yếu lực lượng lao động, với khoảng 45 triệu người có nguy cơ bị tác hại do hút thuốc trực tiếp hoặc do hút thuốc thụ động dẫn đến mất năng suất, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng hiện có giữa các nhóm nghèo nhất và thiệt thòi nhất so với phần còn lại của dân số.
Theo BS. Lâm, Việt Nam có thuế thuốc lá rất thấp, với mức thuế chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá trong năm 2022, thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực, trong khi thu nhập tiếp tục tăng nhanh khiến khả năng chi trả cho tiêu dùng thuốc lá tiếp tục tăng. Chính sách thuế đối với thuốc lá ở Việt Nam sau nhiều lần điều chỉnh hiện vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục cải tiến. Nếu làm được điều này sẽ mang lại lợi ích kép: vừa giảm tiêu thụ thuốc lá, từ đó giảm các tác động tiêu cực đến sức khỏe; vừa tạo thêm nguồn thu từ thuế để có thêm ngân sách đầu tư vào các ưu tiên chính của Chính phủ.
Dựa trên xu hướng cải cách thuế TTĐB trên phạm vi toàn cầu cũng như tác động có lợi của thuế TTĐB lên sức khỏe và nguồn thu thuế, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần chuyển đổi hệ thống thuế tỷ lệ sang hệ thống thuế hỗn hợp có thành phần thuế tuyệt đối đủ mạnh để có tác động tốt nhất trong giảm tiêu dùng, đặc biệt ở người nghèo và thanh thiếu niên.
Cùng đó, tăng mức thuế tuyệt đối và thuế suất tỷ lệ đủ để tiến tới mức thuế đạt ít nhất 70-75% giá bán lẻ theo khuyến cáo của WHO. Thuế cũng cần tăng đều liên tục qua các năm để giảm sức mua nhằm đạt mục tiêu kép giảm được mức tiêu dùng thuốc lá trong cộng đồng và tăng ngân sách từ thuế.
Những ngộ nhận về tăng thuế thuốc lá
Chia sẻ về Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trên thế giới và đề xuất với Việt Nam, ThS. Lê Thị Thu và ThS. Đoàn Thị Thu Huyền (Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ) cho rằng, trong quá trình xây dựng chính sách thuế TTĐB với thuốc lá, các quốc gia thường đánh giá một số vấn đề như: Tăng thuế thuốc lá có dẫn đến tăng buôn lậu thuốc lá không?; Tăng thuế có giảm nguồn thu ngân sách từ thuế thuốc lá không?; Tăng thuế thuốc lá có ảnh hưởng tiêu cực đến người thu nhập thấp hơn người thu nhập cao không?; Tăng thuế thuốc lá có làm giảm lao động trong ngành trồng trọt, sản xuất, kinh doanh thuốc lá và các ngành liên quan khác không?
Các bằng chứng trả lời cho các câu hỏi trên đã được WHO nghiên cứu và tổng hợp từ kinh nghiệm thực thi chính sách thuế của các quốc gia, cụ thể:
Tăng thuế không dẫn đến tăng buôn lậu thuốc lá
Qua đánh giá tại 94 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2018, WHO đã chỉ ra rằng không có mối liên quan giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá. Tại các quốc gia có mức giá thấp, buôn lậu thậm chí xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế cao.
Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn tại Việt Nam cho thấy việc tăng thuế không phải là nguyên nhân của tăng buôn lậu thuốc lá. Buôn lậu thuốc lá có liên quan mật thiết đến việc thực thi kiểm soát và quản lý thị trường, tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng (như cấp phép bán lẻ thuốc lá) và cung cấp nhiều công cụ quản lý hơn cho cơ quan chức năng để phòng chống buôn lậu thuốc lá.
Tăng thuế dẫn đến tăng thu ngân sách
Nghiên cứu của Đại học Illinois, Hoa Kỳ và nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã chỉ ra thuế thuốc lá là giải pháp cùng thắng cho sức khỏe và thu ngân sách, nghĩa là giảm tiêu dùng nhưng lại tăng thu ngân sách.
WHO ước tính năm 2018, thuế TTĐB đối với thuốc lá đã tạo ra số thu thuế là 361 tỷ USD trên toàn thế giới, bao gồm 162 tỷ USD ở các quốc gia thu nhập trung bình và thấp. Nếu tất cả các quốc gia đều tăng thuế TTĐB thêm 1 đô la Mỹ cho mỗi bao thuốc lá thì số thu thuế TTĐB sẽ tăng từ 178 tỷ USD đến 219 tỷ USD, tương đương tăng thêm 49- 61% số thu thuế của năm 2018. Các quốc gia thu nhập trung bình thấp sẽ được hưởng lợi 73 Số 32-33/2024 nhiều nhất từ tăng thuế này, với số thu thuế TTĐB tăng từ 133 tỷ USD lên 167 tỷ USD, tương đương 82-103%.
Ở Việt Nam, kể từ lần đầu thuế TTĐB với thuốc lá được áp dụng vào năm 1990, thuế TTĐB đối với thuốc lá đã được điều chỉnh tăng mức thuế suất vào các năm 1998, 2005, 2008, 2014. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính thì số thu thuế từ thuế thuốc lá (TTĐB và giá trị gia tăng) có xu hướng tăng đều qua các năm, từ 6.017 tỷ đồng năm 2005 lên đến 7.528 tỷ đồng năm 2008, 17.013 tỷ đồng năm 2016 và 16.668 tỷ năm 2018.
Tăng thuế thuốc lá là chính sách mang lại lợi ích cho người nghèo
Quan ngại về liệu tăng thuế thuốc lá có ảnh hưởng tới người nghèo dựa trên khái niệm tính lũy thoái của thuế. Về mặt khái niệm, tính lũy thoái của thuế có nghĩa là tỷ lệ thu nhập chi cho thuốc lá của người có thu nhập thấp nhiều hơn do thuế tăng so với người thu nhập cao hơn, hay nói cách khác gánh nặng thuế sẽ lớn hơn đối với người thu nhập thấp.
Thứ nhất, khái niệm lũy thoái của thuế chỉ dựa vào gánh nặng thuế mà chưa xem xét các các tác động tổng thể đến sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây ra.
Thứ hai, khi giá thuốc lá tăng sẽ thay đổi hành vi người tiêu dùng thông qua độ co giãn của cầu theo giá, dẫn đến các tác động tích cực và lâu dài như cải thiện sức khỏe, tiết kiệm chi phí y tế, thời gian và năng suất lao động tăng lên, chất lượng cuộc sống được cải thiện... nhờ việc giảm hoặc bỏ hút thuốc, đặc biệt là trong dài hạn. Xét về tổng thể, chính sách thuế thuốc lá đã mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo.
Việc tăng thuế thuốc lá có thể giúp thúc đẩy các nhóm thu nhập thấp giảm lượng tiêu thụ thuốc lá hoặc ngừng sử dụng hoàn toàn thuốc lá, đồng thời cho phép họ tái phân bổ thu nhập vào lương thực, nhà cửa, giáo dục và chăm sóc sức khỏe…
Tăng thuế không làm suy giảm số lượng việc làm trong ngành trồng trọt và sản xuất, kinh doanh thuốc lá, cũng như các ngành kinh tế khác
Tại Việt Nam, tăng thuế thuốc lá không làm giảm sản lượng thuốc lá nhanh chóng trong thời gian ngắn. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, những người đã nghiện nặng thì khó bỏ. Ngay cả khi tỷ lệ hút thuốc có giảm thì số người hút cũng có thể không giảm do dân số tiếp tục tăng và có một số lượng nhất định người hút mới gia nhập thị trường. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê và Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, sản lượng thuốc lá có xu hướng tăng đều trong các năm gần đây, cả vào thời điểm Việt Nam tăng mức thuế suất thuế TTĐB thuốc lá vào năm 2016 và 2019.
Việc làm tạo ra trong ngành thuốc lá chỉ chiếm từ 0,39% đến 0,42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2010-2022 cho thấy mặc dù sản lượng thuốc lá điếu tăng từ 5.000,9 triệu bao (năm 2010) lên 6.832 triệu bao vào năm 2022, trong năm đó lao động trong ngành sản xuất đã giảm nhanh từ 13.586 lao động xuống 9.335 lao động. Hơn nữa, ngay cả khi không tăng thuế thuốc lá thì việc làm trong ngành thuốc lá cũng tăng, giảm tùy năm.
Ngành sản xuất thuốc lá của Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu. Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2023 là 68.414 tấn. Vì vậy, tăng thuế cũng sẽ không ảnh hưởng đến lao động trồng cây thuốc lá. Đối với lĩnh vực bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam, ngoại trừ một số ít là các cửa hàng chuyên kinh doanh thuốc lá thì hầu hết thuốc lá thường được bán ở các điểm bán lẻ kinh doanh nhiều mặt hàng như tạp hóa, siêu thị, quán cà phê, quán nước. Vì vậy nếu tăng thuế đủ mạnh để giảm tiêu dùng thuốc lá thì cũng sẽ không ảnh hưởng lâu dài đến các điểm bán lẻ này.