Tăng thuế thuốc lá: Chính sách tài khóa mang giá trị đầu tư

Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững và cải thiện chất lượng sống toàn dân, chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó có mặt hàng thuốc lá, đang được đặt lên bàn cân như một công cụ tài khóa quan trọng của y tế công cộng và tài chính quốc gia.

Quang cảnh buổi tập huấn. Ảnh: BTC cung cấp

Quang cảnh buổi tập huấn. Ảnh: BTC cung cấp

Nhằm cung cấp góc nhìn đa chiều và chuyên sâu về tác động của chính sách này, ngày 23/4, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã tổ chức buổi tập huấn tại Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế và y tế.

Buổi tập huấn là dịp để các diễn giả như ThS. BS. Phan Thị Hải (Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá), TS. Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN), ThS. Đào Thế Sơn (Vital Strategies), TS. Lê Hương Linh (Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), và ThS. Phạm Văn Long (VESS) cùng nhau làm rõ vai trò, cơ sở khoa học và tác động thực tiễn của việc tăng thuế TTĐB, trong đó có mặt hàng thuốc lá - từ sức khỏe cộng đồng, kinh tế quốc gia, đến vấn đề môi trường và thị trường tiêu dùng.

Hậu quả nghiêm trọng từ làn khói độc

Trình bày tham luận “Tăng thuế thuốc lá - Giải pháp hiệu quả giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”, ThS.BS. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại Thuốc lá cho biết: Sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: Ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản.

Riêng tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá (WHO cập nhật số liệu đến năm 2021).

Bà Phan Thị Hải chia sẻ tại chương trình về tác động thuế thuốc lá đến tiêu dùng. Ảnh: BTC cung cấp

Bà Phan Thị Hải chia sẻ tại chương trình về tác động thuế thuốc lá đến tiêu dùng. Ảnh: BTC cung cấp

ThS. BS. Phan Thị Hải nhấn mạnh, sử dụng thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Bà Hải dẫn nguồn báo cáo “Chi phí y tế do sử dụng thuốc lá: Ước tính cập nhật cho Việt Nam” (tác giả Bale S, Hội Kinh tế Việt Nam, tháng 6/2023) nhận định, sử dụng thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Cụ thể, hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Đáng lưu ý, phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm.

Hệ lụy từ việc sử dụng thuốc lá không dừng lại ở sức khỏe cá nhân mà còn kéo theo gánh nặng lớn về kinh tế và lao động. Theo Hội Kinh tế Y tế Việt Nam (2022), chi phí điều trị và mất năng suất lao động do thuốc lá lên đến 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,14% GDP.

Sử dụng thuốc lá đã gây ra gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Mỗi công dân Việt Nam bị ốm hoặc tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá sẽ rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi những người hút thuốc hiện nay phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.

Trong khi đó, theo ước tính của WHO, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ. Còn tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

Ngoài ra, theo WHO, thuốc lá là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hằng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 - 6.000 tấn formaldehyde; 12.000 - 47.000 tấn nicotine; 300 - 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Kinh tế xã hội cũng không thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực của thuốc lá. Tại Việt Nam, chi phí y tế, thời gian nghỉ làm, và các khoản tổn thất liên quan đến tử vong sớm do thuốc lá đã được ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,14% GDP quốc gia. Đây là mức chi tiêu gấp 5 lần nguồn thu từ thuế thuốc lá, phản ánh một nghịch lý về sự “đắt đỏ vô hình” mà cả xã hội phải gánh chịu cho một sản phẩm có mức giá được xem là thấp, là “rẻ”…

Thực trạng thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam

Trước thực trạng thuốc lá dễ tiếp cận và tiêu thụ ngày càng cao, một giải pháp đang được đề xuất và nhận được sự đồng thuận cao từ các chuyên gia trong và ngoài nước là tăng thuế TTĐB, trong đó có mặt hàng thuốc lá. Đây được xem là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt là trong nhóm người thu nhập thấp và thanh thiếu niên - đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Cũng trong tham luận của ThS. BS. Phan Thị Hải chỉ ra: Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có giá thuốc lá rẻ nhất thế giới. Giá bán lẻ phổ biến chỉ từ 6.000 - 20.000 đồng/bao, với hơn 40 nhãn hiệu có giá dưới 10.000 đồng. Từ năm 2010-2022, thu nhập người dân tăng hơn 200% nhưng giá thuốc lá chỉ tăng 56%, khiến thuốc lá ngày càng dễ tiếp cận hơn.

Hiện nay, thuế TTĐB với thuốc lá ở mức 75% trên giá xuất xưởng, nhưng tính trên giá bán lẻ chỉ tương đương 36% - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 59% ở các nước thu nhập trung bình, và kém xa các nước ASEAN như Thái Lan (78,6%) hay Singapore (67,1%).

Giá thuốc lá tại Việt Nam “rẻ một cách nguy hiểm”. Theo một khảo sát của Trường Đại học Y tế công cộng và HealthBridge (năm 2023), có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá được bán dưới 10.000 đồng/bao, trong khi mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn 200% từ năm 2010-2022. Điều này khiến thuốc lá không chỉ dễ mua, mà còn ngày càng “rẻ tương đối”, làm vô hiệu hóa các nỗ lực kiểm soát tiêu dùng bằng biện pháp kinh tế.

Từ đó, ThS. BS. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại Thuốc lá đề xuất bổ sung thuế tuyệt đối song song với thuế tỷ lệ hiện hành. Theo đó, mức thuế tuyệt đối sẽ được nâng dần từ 5.000 đồng/bao thuốc lá vào năm 2026 lên đến 15.000 đồng/bao vào năm 2030. Bà Hải cho rằng, chiến lược này sẽ giúp duy trì mức giá thuốc lá ở ngưỡng khó tiếp cận, đồng thời đảm bảo theo kịp đà tăng của thu nhập, hướng tới mục tiêu WHO đề ra: Thuế thuốc lá chiếm 75% giá bán lẻ.

Những tác động tích cực được kỳ vọng

Trong bối cảnh đó, đề xuất tăng thuế TTĐB, đặc biệt với mặt hàng thuốc lá, không chỉ là một công cụ tài khóa, mà còn là “phanh gấp” hữu hiệu cho làn khói độc đang âm thầm tàn phá xã hội và môi trường.

Những tác động tích cực mà các chuyên gia nhận được sẽ có được khi tang thuế TTĐB, trong đó có mặt hàng thuốc lá, đó là:

Giảm tiêu thụ thuốc lá một cách bền vững: Tăng giá là yếu tố trực tiếp làm giảm nhu cầu, đặc biệt trong các nhóm dễ bị tổn thương.

Tiết kiệm chi phí y tế: Việc giảm số lượng người hút thuốc sẽ giảm gánh nặng lên hệ thống y tế quốc gia, cả về khám chữa bệnh lẫn thuốc men.

Tăng năng suất lao động: Hạn chế tử vong sớm và bệnh tật giúp duy trì lực lượng lao động khỏe mạnh và hiệu quả.

Cải thiện chi tiêu hộ gia đình: Đặc biệt ở nhóm thu nhập thấp, việc giảm tiêu dùng thuốc lá có thể chuyển hóa thành đầu tư vào giáo dục, dinh dưỡng hoặc y tế.

Tăng thu ngân sách nhà nước: Số tiền thu từ thuế thuốc lá có thể dùng để đầu tư vào các chương trình phát triển y tế công cộng, truyền thông phòng bệnh, bảo vệ môi trường.

Không làm gia tăng buôn lậu: Nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) và WHO cho thấy không có mối liên hệ trực tiếp giữa tăng thuế và gia tăng buôn lậu. Thậm chí, trong giai đoạn tăng thuế 2016–2019, tỷ lệ thuốc lá lậu ở Việt Nam đã giảm từ 20% xuống còn 14%.

Theo ThS. Đào Thế Sơn, tăng thuế TTĐB với thuốc lá là một chính sách tài khóa ủng hộ tăng trưởng kinh tế, chứ không phải lực cản. Các mô hình phân tích tác động liên ngành cho thấy nếu tăng thuế xuất từ 65% lên 105%, GDP có thể tăng thêm 0,18% nhờ chuyển dịch chi tiêu từ thuốc lá sang các ngành dùng nhiều lao động hơn như giáo dục, y tế.

Tăng thuế TTĐB, trong đó có mặt hàng thuốc lá, có thể được xem là một chính sách tài khóa mang giá trị đầu tư - đầu tư cho một tương lai khỏe mạnh hơn, công bằng hơn và xanh hơn. Đây là thời điểm để Việt Nam mạnh dạn thực thi chính sách “liều thuốc mạnh” này không chỉ để cứu sức khỏe cộng đồng, mà còn để nuôi dưỡng một quốc gia phát triển bền vững, công bằng và đầy hy vọng cho các thế hệ tương lai.

Lo ngại buôn lậu: Nỗi sợ không căn cứ?

Một trong những rào cản lớn nhất khi đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá là nỗi lo về buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, theo ý kiến của TS. Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN) tại buổi tập huấn, thực tế cho thấy khi thuế tăng, thuốc lá lậu không tăng mà giảm mạnh: Từ 20,2% (2012) xuống còn 13,72% (2017), theo điều tra GATS.

Hơn nữa, thuốc lá lậu không hề rẻ như thường nghĩ. Nghiên cứu của DEPOCEN chỉ ra: Giá thuốc lá lậu cao hơn thuốc lá hợp pháp, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc – nơi tỷ lệ lậu rất thấp. Gần như toàn bộ thuốc lá lậu tập trung ở miền Nam, nhất là khu vực giáp ranh Campuchia – nơi các thương hiệu như Hero và Jet (không được phép bán hợp pháp tại Việt Nam) được tuồn vào nhiều nhất.

Như vậy, tăng thuế TTĐB không phải là nguyên nhân làm gia tăng buôn lậu nếu đi kèm các biện pháp kiểm soát hiệu quả như truy xuất nguồn gốc, kiểm soát thị trường và nâng cao năng lực hải quan.

Nhật Minh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tang-thue-thuoc-la-chinh-sach-tai-khoa-mang-gia-tri-dau-tu-476309.html
Zalo