Tăng thị phần ngành đóng tàu Việt Nam trên thị trường quốc tế bằng cách nào?
Cục Hàng hải và Đường thủy VN mới đây đã trình Bộ Xây dựng dự thảo Đề án nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại dự thảo đề án, Cục Hàng hải và Đường thủy VN đề xuất định hướng phát triển thị phần đóng tàu thủy của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Theo cơ quan này, dự báo giai đoạn 2024-2028, quy mô thị trường đóng tàu dự kiến sẽ tăng hơn 22 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 4%/năm và sẽ dự kiến đạt khoảng 195 tỷ USD vào năm 2030.
Giai đoạn 2024-2033, khoảng 479 triệu GT (Gross Tonnage - tổng dung tích) tàu sẽ cần được thay thế, với hơn 70% nhu cầu thay thế thuộc về tàu hàng rời (bulkers) và tàu chở dầu (tankers). Trong đó, 60% nhu cầu đóng tàu mới trong giai đoạn 2024-2033 đến từ yêu cầu về môi trường và nhu cầu thay thế đội tàu già trên 20 năm tuổi.

Cục Hàng hải và Đường thủy VN đề xuất định hướng phát triển thị phần đóng tàu của Việt Nam trên thị trường toàn cầu giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050 (Ảnh: Tạ Hải).
Từ đây, dự thảo đề án đề xuất mục tiêu phát triển thị phần cho đóng tàu Việt Nam. Cụ thể, đến năm 2030, các doanh nghiệp đóng tàu Việt, bao gồm các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy sau tái cơ cấu, phấn đấu tăng thị phần đóng mới bàn giao đạt 0,8%-0,9% tổng sản lượng đóng tàu toàn cầu. Các sản phẩm chủ yếu là tàu chở hàng tổng hợp đến 70.000 tấn, tàu container, tàu chờ khí hóa lỏng (LPG) và một số tàu dịch vụ khác.
Trong đó, thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu đóng mới bổ sung, thay thế đội tàu vận tải biển Việt Nam khoảng từ 4 triệu tấn đến 5 triệu tấn, bình quân khoảng từ 0,7 triệu tấn/năm đến 0,8 triệu tấn/năm. Thị phần xuất khẩu, phấn đấu đạt khoảng 30% tổng số tàu đóng mới để xuất khẩu, tương đương 1 triệu tấn.
Định hướng phát triển đến năm 2050, giai đoạn 2030-2040 tăng dần tỷ lệ nội địa hóa từ 30% lên 40%, trong đó có 10% vật liệu, trang thiết bị tàu thủy; tổng sản lượng đóng tàu trong nước đạt 1% tổng sản lượng đóng tàu toàn cầu.
Giai đoạn 2040-2050 tăng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 50%, trong đó có 20% vật liệu, trang thiết bị tàu thủy; tổng sản lượng đóng tàu trong nước đạt 2% tổng sản lượng đóng tàu toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu này, Cục Hàng hải và Đường thủy VN đề xuất các giải pháp về tài chính, đầu tư, thuế, phí; quy hoạch vị trí đóng tàu và ngành công nghiệp phụ trợ; chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực; đổi mới chương trình đào tạo…
Đặc biệt, về cơ chế, chính sách, Cục Hàng hải và Đường thủy VN đề xuất xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp tàu thủy để có mô hình, định hướng phát triển trung và dài hạn, đáp ứng mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ có thứ tự ưu tiên cho sản xuất thép, linh kiện, điện, điện tử; lắp ráp động cơ, phụ tùng... hình thành chuỗi cung ứng nội địa nhằm tăng dần tỉ lệ nội địa hóa. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo chuỗi cung ứng bền vững, hạn chế tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nghiên cứu bổ sung ngành đóng tàu và ngành công nghiệp phụ trợ đóng tàu thuộc danh mục ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển trong Nghị quyết số 23 ngày 22/3/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.