Tăng thêm cơ hội và sự công bằng cho thí sinh

Nhiều điểm mới, trong công tác tuyển sinh, nhất là việc xét tuyển sớm là một trong những thay đổi trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) 2025 chuẩn bị ban hành. Theo các chuyên gia, những thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho thí sinh.

Học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST.

Học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST.

Trong số rất nhiều điểm mới của dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2025, nội dung đáng chú ý là là nếu trường ĐH xét học bạ THPT bắt buộc phải sử dụng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Việc này sẽ hạn chế tình trạng các trường xét tuyển sớm, khi năm học chưa kết thúc, tránh làm ảnh hưởng tâm lý thí sinh tham gia tốt nghiệp THPT, tạo sự công bằng trong xét tuyển.

Góp ý cho dự thảo, trước quy định “khống chế” chỉ tiêu xét tuyển sớm 20%, có những băn khoăn cho rằng, việc giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm với các trường ĐH chủ yếu mang tính kiểm soát hành chính. Xung quanh nội dung này, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Dự thảo quy định phải quy đổi tương đương điểm xét và điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển, cùng với yêu cầu điểm trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển chung đã tự động hạn chế quy mô xét tuyển sớm. Việc đưa ra giới hạn 20% là căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh trong những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT. Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Theo PGS.TS Vũ Duy Hải - Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp (ĐH Bách khoa Hà Nội), về cơ bản dự thảo Quy chế không ảnh hưởng quá nhiều đến các phương thức tuyển sinh của đơn vị. Việc quy định 20% cho phương thức xét tuyển sớm - xét tuyển tài năng, đây là tỷ lệ ĐH Bách khoa Hà Nội đã triển khai trong nhiều năm qua. Về quy đổi điểm các phương thức, ông Hải cho rằng, phương án sẽ tạo ra nhiều điểm lợi cho thí sinh và xã hội.

PGS.TS Vũ Duy Hải phân tích: Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xét tuyển sớm chỉ ảnh hưởng đến thời gian công bố kết quả xét tuyển đến thí sinh, còn bản chất thì không có gì thay đổi. Trước đây, thí sinh có thể biết kết quả từ tháng 3, 4, 5 nhưng với quy định mới, thí sinh chỉ có thể biết kết quả sau khi hệ thống lọc ảo toàn quốc công bố, thường là vào tháng 8. Như vậy, thí sinh không bị ảnh hưởng việc sử dụng kết quả xét tuyển, chỉ khác về thời gian biết kết quả. Còn với các trường “top” dưới, điều này sẽ khiến việc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Thí sinh có khả năng đăng ký vào tất cả các trường trong hệ thống theo nguyên tắc xét tuyển nên có thể trúng tuyển hầu hết các trường “top” trên, còn các trường “top” dưới thí sinh sẽ ít đi, từ đó sẽ ảnh hưởng đến quy mô tuyển sinh của các trường. Nếu thực hiện theo dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc phân bổ chỉ tiêu không còn quá ý nghĩa nữa, vì tất cả phương thức đều chung một đầu điểm.

PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, khi xét tuyển sớm, các học sinh vẫn chưa hoàn thành chương trình đào tạo THPT. Quyết định bỏ xét tuyển sớm sẽ tạo một mặt bằng đồng đều hơn, nơi mọi thí sinh đều cạnh tranh dựa trên cùng một hệ quy chiếu: Kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thứ nữa, việc tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ phản ánh chính xác hơn chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông. Thời gian qua, tâm lý “xét tuyển sớm rồi, không cần lo thi tốt nghiệp” đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết tâm học tập của học sinh, đặc biệt trong học kỳ II của lớp 12.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tham gia xét tuyển ĐH. Vì vậy, việc đổi mới quy chế tuyển sinh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp THPT, đặc biệt là lớp 12. Những quy định chặt chẽ hơn trong xét tuyển sớm, quy định nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12, quy định thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe và sư phạm… đều hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh ứng tuyển.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-them-co-hoi-va-su-cong-bang-cho-thi-sinh-10299672.html
Zalo