Tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu trái cây có lợi thế

Tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nhóm trái cây có lợi thế là những vấn đề trọng tâm được thảo luận tại Diễn đàn 'Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu chanh leo, chuối, dứa, dừa' do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 18/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu chanh leo, chuối, dứa, dừa” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 18/7.

Diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu chanh leo, chuối, dứa, dừa” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 18/7.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham dự của hàng trăm đại biểu là lãnh đạo các đơn vị quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và chuyên gia.

Khơi thông tiềm năng, hướng tới xuất khẩu bền vững

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh ngành trái cây Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết về mở rộng , nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu, việc tập trung giải quyết các điểm nghẽn về vùng nguyên liệu, chế biến, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu thị trường là nhiệm vụ trọng tâm.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 15 triệu tấn/năm. Trong đó, nhóm trái cây có tiềm năng tăng trưởng nhanh và đóng góp tích cực vào cơ cấu xuất khẩu gồm chanh leo, chuối, dứa và dừa. Bốn sản phẩm này đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt mốc tỷ USD.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho trái cây Việt Nam đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đầu tư vào vùng trồng đạt chuẩn, chế biến sâu, mở rộng thị trường chính ngạch và xây dựng thương hiệu bài bản.

 Ông Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, ngành trồng trọt đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của cây ăn quả như một động lực tăng trưởng mới.

Ông Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, ngành trồng trọt đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của cây ăn quả như một động lực tăng trưởng mới.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ngành trồng trọt đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của cây ăn quả như một động lực tăng trưởng mới. Riêng năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả ước đạt 1,28 triệu ha. Trong đó, chanh leo, chuối, dứa và dừa là những sản phẩm hội tụ nhiều lợi thế phát triển, có khả năng mở rộng quy mô và gia tăng giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Cường cũng thẳng thắn chỉ rõ: Đến nay, chỉ có sầu riêng trở thành sản phẩm trái cây duy nhất đạt kim ngạch “tỷ đô”, trong khi những mặt hàng từng có vị thế như thanh long đang sụt giảm. Thực tế này cho thấy, ngành trái cây vẫn còn nhiều việc cần làm để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường toàn cầu.

“Diễn đàn hôm nay là dịp để nhìn lại và tập trung tháo gỡ những vấn đề cốt lõi từ quy hoạch vùng trồng, liên kết sản xuất, chế biến đến mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây không phải là việc của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của toàn ngành, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp đến hợp tác xã và người nông dân”, ông Cường nhấn mạnh.

Chuyển trọng tâm từ tăng sản lượng sang nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu

Trình bày tại Diễn đàn, ThS Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, khẳng định: Đây là thời điểm ngành trái cây cần nhìn lại chiến lược phát triển, chuyển trọng tâm từ tăng sản lượng sang nâng cao chất lượng, ứng dụng công nghệ và phát triển thương hiệu.

Với chanh leo, hiện Việt Nam đạt sản lượng 163.000 tấn/năm, chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên. Định hướng đến năm 2030 là đạt 300.000 tấn, mở rộng vùng trọng điểm tại Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, đồng thời hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan. Ngành cũng đang ưu tiên phát triển giống sạch bệnh và nâng cao giá trị gia tăng thông qua chế biến.

 ThS Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II chia sẻ tại Diễn đàn.

ThS Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II chia sẻ tại Diễn đàn.

Dứa hiện đạt sản lượng khoảng 860.000 tấn, chủ yếu trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu đến năm 2030 là đạt gần 1 triệu tấn, với sản phẩm trồng rải vụ phục vụ chế biến và xuất khẩu trái vụ. Mặc dù đã có mặt tại 122 quốc gia, song Việt Nam chưa mở rộng hồ sơ kỹ thuật cho thị trường mới, trong khi EU là thị trường tiềm năng có thể tận dụng qua EVFTA.

Chuối với sản lượng khoảng 3 triệu tấn, đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 625.000 tấn chuối sang Trung Quốc. Định hướng giai đoạn tới là giữ vững thị phần bằng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu quốc gia cho chuối Việt Nam.

Dừa có diện tích trồng lớn nhất trong nhóm trái cây lợi thế, với hơn 202.000 ha, sản lượng 2,28 triệu tấn/năm. Việt Nam đang nằm trong nhóm nước xuất khẩu dừa hàng đầu thế giới. Định hướng đến năm 2030, ngành dừa sẽ chuyển mạnh sang chế biến sâu, sản xuất theo quy trình GAP, phát triển mô hình trồng xen, nuôi xen, kết hợp du lịch sinh thái và chương trình OCOP.

Các ý kiến tại Diễn đàn cũng nêu rõ: Ngành trái cây Việt Nam hiện đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu, như kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Một số vụ việc vi phạm dẫn đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị thu hồi (sầu riêng, mít), ảnh hưởng lớn đến thương mại và uy tín ngành hàng.

Theo ThS Tuấn, việc mở rộng sang thị trường Nam Mỹ gặp khó do chi phí vận chuyển và cạnh tranh gay gắt, trong khi các nước ASEAN lại có sản phẩm tương đồng, khó tạo khác biệt. Vì vậy, Việt Nam cần định hướng phát triển trái cây theo chiều sâu, không chỉ mở rộng diện tích mà chú trọng chất lượng, công nghệ sau thu hoạch, tiêu chuẩn hóa chuỗi giá trị và minh bạch thông tin.

“Muốn xuất khẩu hiệu quả, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ truy xuất nguồn gốc và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi. Mỗi hợp tác xã, doanh nghiệp và nông hộ phải trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị, góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập”, ông Tuấn khẳng định.

Diễn đàn cũng là dịp để các đơn vị quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã chia sẻ bài học kinh nghiệm, mô hình hiệu quả, khẳng định vai trò của ngành trái cây trong chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, gắn với mục tiêu xuất khẩu bền vững.

“Thông qua trái cây, chúng ta có thể giới thiệu với thế giới về con người, văn hóa và những sản vật độc đáo của Việt Nam. Nếu cùng chung tay, chúng ta có thể viết lại câu chuyện phát triển trái cây Việt theo hướng bài bản, chuyên nghiệp và hội nhập sâu rộng”, ông Nguyễn Như Cường bày tỏ kỳ vọng.

PHÚC LÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-suc-canh-tranh-thuc-day-xuat-khau-trai-cay-co-loi-the-post894536.html
Zalo