Tăng quyền lợi, siết tiêu chí chi trả bảo hiểm y tế

Những thay đổi của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi vừa mở rộng quyền lợi, vừa siết chặt tiêu chí chi trả, người dân phải chủ động để bảo đảm quyền lợi cho chính mình.

Từ ngày 1/7, người từ đủ 18 tuổi trở lên điều trị lác và tật khúc xạ mắt sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế

Từ ngày 1/7, người từ đủ 18 tuổi trở lên điều trị lác và tật khúc xạ mắt sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế

Buổi sáng cuối tuần, mấy ông bạn hưu của bố tôi cùng ngồi uống trà. Ông Tuấn vui mừng kể rằng thời gian tới sẽ thường xuyên vào TP Hồ Chí Minh để chơi với 2 con gái mà không lo việc phải khám sức khỏe ban đầu theo nơi ghi trong bảo hiểm y tế nữa. Vì theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, từ ngày 1/7/2025, người bệnh được chi trả 100% mức hưởng khi khám tại cấp ban đầu trong toàn quốc, không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh. Ông nhấn mạnh người tham gia bảo hiểm y tế như các ông không còn bị “gắn chặt” vào cơ sở y tế gần nơi cư trú. Họ có quyền lựa chọn cơ sở phù hợp với nhu cầu, chất lượng dịch vụ, hoặc tiện lợi trong sinh hoạt, công việc. Điều này đặc biệt ý nghĩa với người thường xuyên di chuyển.

Quả thật, quyền lợi trên được xem là bước tiến đột phá, không chỉ giúp giảm gánh nặng hành chính cho người dân, mà còn bảo đảm sự linh hoạt trong tiếp cận dịch vụ y tế. Khi người dân có quyền chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu, các cơ sở y tế sẽ buộc phải cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ, đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất để thu hút người bệnh. Thêm nữa, khi người dân tin tưởng và chọn được cơ sở khám chữa bệnh ban đầu phù hợp, họ ít có xu hướng đổ dồn lên các bệnh viện lớn. Điều này giúp giảm tình trạng quá tải, cải thiện hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống y tế.

Cùng với sự thay đổi này, từ ngày 1/7, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm sẽ được khám chữa bệnh không cần giấy chuyển tuyến. Quyền lợi trên cũng mang ý nghĩa nhân văn rõ rệt trong bối cảnh nhiều người phải chữa bệnh tốn kém, di chuyển nhiều lần gây mệt mỏi, tốn thời gian và tiền bạc.

Bên cạnh mở rộng quyền lợi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cũng thiết lập danh mục 12 trường hợp không được bảo hiểm y tế chi trả.

Một trong những thay đổi gây chú ý là bảo hiểm y tế sẽ không chi trả chi phí điều trị tật khúc xạ và lác mắt cho người từ 18 tuổi trở lên. Đây là các vấn đề thị lực phổ biến trong học sinh, sinh viên và người lao động văn phòng.

Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ sinh sản không vì lý do y khoa, nạo phá thai, các dịch vụ thẩm mỹ, sử dụng thiết bị y tế thay thế như chân tay giả, răng giả, kính mắt... cũng không còn nằm trong danh mục chi trả. Đây là các dịch vụ mà đối tượng yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân dễ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, xét về mặt quản lý, việc loại bỏ các danh mục mang tính dịch vụ, không liên quan trực tiếp đến điều trị bệnh lý là bước sàng lọc nhằm ưu tiên nguồn lực cho nhóm bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo và bệnh mạn tính.

Việc thu hẹp phạm vi chi trả giúp Quỹ bảo hiểm y tế tập trung hơn vào những trường hợp cần hỗ trợ thực sự, tránh các trường hợp sử dụng bảo hiểm y tế cho các dịch vụ không thiết yếu, gây lãng phí. Siết chi tiêu, kiểm soát kỹ danh mục sẽ giúp bảo hiểm y tế hoạt động bền vững, tránh tình trạng quỹ mất cân đối.

Quy định mới cũng góp phần ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế - một vấn đề đã tồn tại nhiều năm. Việc loại trừ một số dịch vụ khó kiểm soát như thẩm mỹ, hỗ trợ sinh sản không vì lý do y khoa... sẽ làm giảm nguy cơ lạm dụng chính sách, bảo đảm công bằng cho người bệnh thực sự.

Tuy nhiên, người dân sẽ phải chi trả nhiều hơn nếu rơi vào các trường hợp không được bảo hiểm y tế hỗ trợ. Một người cao tuổi cần làm răng giả, một thanh niên bị cận thị nặng hay một phụ nữ đơn thân muốn điều trị hiếm muộn... sẽ đối mặt với chi phí điều trị đắt đỏ hơn trước.

Ở Hải Dương, theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tính đến hết năm 2024, có khoảng 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ dân số toàn tỉnh 93,8%. Lao động phổ thông, công nhân và người cao tuổi chiếm tỷ lệ lớn. Những nhóm này là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu thiếu chính sách hỗ trợ bù đắp thích hợp.

Trong bối cảnh Quỹ bảo hiểm y tế chịu sức ép bởi chi phí khám chữa bệnh leo thang, việc điều chỉnh danh mục hỗ trợ là cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có đối sách linh hoạt với người yếu thế, người nghèo để "không ai bị bỏ lại sau".

Chính sách bảo hiểm y tế sau ngày 1/7 mở ra nhiều cơ hội cho người tham gia, nhưng cũng đòi hỏi một sự thay đổi trong nhận thức và hành động. Người dân cần chủ động nắm bắt quyền lợi, ngành y tế, bảo hiểm xã hội cần tăng cường truyền thông và cải tiến dịch vụ, Nhà nước tiếp tục giám sát và điều chỉnh chính sách theo thực tiễn. Có như vậy, bảo hiểm y tế mới thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người dân trên hành trình chăm sóc sức khỏe.

PHƯƠNG LÂM

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tang-quyen-loi-siet-tieu-chi-chi-tra-bao-hiem-y-te-409828.html
Zalo